Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa tổng kết công tác phòng chống và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (TTDBKTTVTW), những năm gần đây thời tiết luôn diễn biến phức tạp, khó lường, như xuất hiện các đợt mưa trái mùa, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động mạnh trên biển Đông và gây hậu quả không kém gì bão... Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm TTDBKTTVTW, cho biết bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm. Dự báo có thể có 6-7 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Bên cạnh đó có khả năng xảy ra một số đợt nắng nóng vào đầu mùa hè ở các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ.
Tại Hội nghị, các đại biểu còn tham khảo những bài học kinh nghiệm đối phó, các biện pháp mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, những bất cập nảy sinh trong quá trình phòng chống thiên tai trong năm 2011, như: công tác điều hành liên hồ chứa nước ở tỉnh Phú Yên; công tác quản lý kêu gọi tàu thuyền, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới của tỉnh Quảng Ngãi; việc ứng phó với đợt lũ lớn ở đồng bằng Sông Cửu Long; lũ lụt ở Thái Lan- bài học kinh nghiệm cho Việt Nam... Qua đó, các địa phương, các lực lượng phòng chống thiên tai đều kiến nghị Trung ương sớm thông qua và ban hành Luật Phòng tránh thiên tai; bổ sung trang thiết bị tìm kiếm, cứu hộ; cần hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn; tăng cường công tác tuyên truyền, kiện toàn bộ máy chuyên trách phòng chống và giảm nhẹ thiên tai từ trung ương đến cơ sở...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng trong phòng chống lụt bão, công tác dự báo đóng vai trò quan trọng nhất, TTDBKTTVTW cần dự báo sớm, dự báo dài hạn về tình hình biến động của thời tiết để nâng cao hiệu quả việc phòng tránh. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và các địa phương cần sớm xây dựng phương án, nhiệm vụ năm nay sát với tình hình thực tế; tiến hành kiểm tra, tu bổ đê điều, tiếp tục thực hiện các dự án phòng tránh thiên tai đối với các vùng trọng điểm. Các địa phương cũng cần chuẩn bị mọi mặt với phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng đối phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục kịp thời hậu quả; các lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn tăng cường công tác luyện tập, trang bị phương tiện phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của mỗi vùng. Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương sớm hoàn thiện phương án, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020....
(TTXVN)