Trong xã hội hiện nay, mặc dù vấn đề bình đẳng giới đã được quan tâm nhiều hơn và nước ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ về bình đẳng giới. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại; giữa quy định của pháp luật với việc thực thi vẫn là một khoảng cách khá xa. Trên thực tế, số phụ nữ tiếp cận với pháp luật rất ít.
Phụ nữ cơ sở tham gia thi tìm hiểu về an toàn giao thông do Hội LHPN tỉnh tổ chức - Ảnh: N.DUNG
NỖ LỰC
Lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những vướng mắc của chị em; tuyên truyền, đưa pháp luật đi vào đời sống; vận động chị em sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật... là hoạt động của các mô hình tư vấn pháp luật thuộc các cấp Hội LHPN Phú Yên. Các mô hình này nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân; góp phần thực hiện quyền bình đẳng giới và nâng cao vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội; từng bước xây dựng thói quen sống và làm việc theo pháp luật trong phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, miền núi.
Trưởng ban Chính sách - Luật pháp Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Thùy cho biết: Những năm qua, các cấp Hội LHPN luôn quan tâm đến công tác tư vấn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên phụ nữ cơ sở. Hầu hết cán bộ chủ chốt các cấp hội là báo cáo viên của Đảng, tham gia Hội đồng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Các chị đã phát huy vai trò tuyên truyền, hướng dẫn giúp phụ nữ cơ sở nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, các cấp hội đều tổ chức tuyên truyền đến các cơ sở về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước có liên quan mật thiết với phụ nữ như: Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống buôn bán người… Bên cạnh đó, các cấp hội còn tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.
Ngoài ra, tỉnh hội còn phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh và các ngành liên quan tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn, giải đáp pháp luật, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Bên cạnh CLB Tư vấn hỗ trợ pháp luật của tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã thành lập 44 CLB Tư vấn pháp luật cấp huyện và cơ sở. Từ năm 2006-2011, các cấp hội đã tham gia hòa giải thành trên 2.500 vụ mâu thuẫn xóm làng, hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai… Việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại của chị em từ cơ sở cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên.
NHƯ MUỐI BỎ BIỂN
Bên cạnh những nỗ lực của Hội Phụ nữ, phải nhìn nhận là vẫn còn khá nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, miền núi, nắm bắt các kiến thức pháp luật còn rất hạn chế. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ vẫn tồn tại ở các địa phương.
Thực tế cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật ngày càng nhiều, đòi hỏi đội ngũ tuyên truyền viên, trợ giúp viên pháp lý phải được cập nhật liên tục, trong khi mỗi xã, phường Hội Phụ nữ chỉ được tài trợ một bộ sách pháp luật. Việc tuyên truyền về pháp luật, tư vấn pháp lý cho phụ nữ phần lớn do Hội LHPN đảm nhiệm nhưng nhóm phụ nữ làm công tác pháp luật của Hội đều là “tay ngang”. Việc tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu cho thành viên còn thiếu và chưa thường xuyên. Dù các chị rất nhiệt tình thì việc không có trình độ chuyên môn, không am hiểu pháp luật cũng khó lòng giải quyết được nhiều vấn đề.
Trong khi đó, trình độ nhận thức của chị em còn hạn chế, nhiều phụ nữ là người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông nên việc tiếp thu kiến thức về pháp luật, thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng không đem lại hiệu quả. Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Hòa Phan Thị Thúy Hằng chia sẻ: Tâm lý “xấu chàng thì hổ ai?”, “một điều nhịn, chín điều lành”, khiến phụ nữ “ngại” không tìm hiểu về Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Mặc dù cán bộ hội và các ngành chức năng rất nhiệt tình truyền đạt nhưng nếu bản thân chị em không tìm hiểu pháp luật, không “hợp tác” với các đơn vị chức năng thì rất khó bảo vệ quyền lợi cho chị em. Sự cam chịu, nhẫn nhịn đã vô tình tiếp tay cho những người chồng mất nhân tính. Bên cạnh đó, luật pháp cũng chưa thật nghiêm minh trong vấn đề bạo lực gia đình. Việc tuyên truyền giáo dục về Luật Phòng chống bạo lực gia đình hay như các Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Bình đẳng giới… chưa sâu và chưa đến được một cách đầy đủ với phụ nữ nói riêng và người dân nói chung.
Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế, trong đời sống xã hội và gia đình. Vì vậy, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới hiệu quả là vấn đề cần được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Để hướng đến mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, chứ không chỉ riêng các cấp Hội LHPN.
NGỌC DUNG