Thân hình gầy gò, quần áo ướt đẫm mồ hôi vì lao động giữa trời nắng nóng - đó là hình ảnh của những phụ nữ bốc vác, chặt mía thuê ở huyện miền núi Sơn Hòa. Dù vất vả, khó khăn, họ vẫn chịu thương chịu khó vì miếng cơm manh áo cho cả gia đình.
Nhiều phụ nữ chặt mía vất vả dưới trời nắng - Ảnh: Q.HÙNG
Đi dọc theo quốc lộ 25 và các tuyến đường liên thôn, liên xã ở huyện Sơn Hòa, dễ dàng bắt gặp những phụ nữ đang dốc sức chặt mía dưới trời nắng nóng như đổ lửa. Nghe tiếng còi xe tải, tiếng réo gọi của chủ mía, những đôi chân thoăn thoắt vác những bó mía nặng từ 20-30kg lên xe gọn gàng như những thanh niên cường tráng. Chị Nguyễn Thị Dung ở xã Sơn Phước đưa đôi tay đen nhẻm, dính đầy bùn đất lên khuôn mặt in hằn những cực nhọc, kể: Chồng chị qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo, gánh nặng mưu sinh dồn hết lên vai. Chị đã từng bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi nghề nặng nhọc để mưu sinh. Mấy năm gần đây, cứ đến mùa thu hoạch, chị lại đi bốc vác, chặt mía thuê kiếm tiền đắp đổi qua ngày. “Vì túng quẫn nên chị em chúng tôi mới đi làm cái nghề cực khổ này, để có tiền mua bó rau, con cá nuôi con cái ăn học. Tôi không muốn con tôi sau này cũng lam lũ với ruộng đồng” chị Dung tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa cũng là một trong những người gia nhập “đội quân” bốc vác, chặt mía thuê từ nhiều năm nay. Gần mười năm làm nghề suốt ngày tiếp xúc với bụi bặm, bùn đất, nắng mưa, trông chị già hơn so với tuổi 34 rất nhiều. Chị cho biết: “Mùa này ở quê không làm được gì cả nên đành lên trên này (huyện Sơn Hòa-NV) làm nghề bốc mía”. Nhà xa, chị Lan ở tạm nhà người quen. Bình thường, sáng đi chiều về, trưa chị ở lại kiếm gì ăn tạm, tìm chỗ nghỉ tạm rồi lại tiếp tục làm. Những ngày nhiều việc phải làm đến 1-2g sáng. Công việc tuy vất vả hơn so với các nghề khác nhưng một ngày bình quân kiếm được cũng gần 300.000 đồng. “Nghề này như đi câu ấy, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Nhiều đêm nằm ngủ nhớ con nhỏ, muốn về nhà thăm con nhưng nghỉ làm thì xem như mất mấy trăm ngàn đồng, đành phải nén lòng ở lại” chị Lan ngậm ngùi.
Phụ nữ bốc vác, chặt mía thuê không những phải chịu đựng vất vả, nặng nhọc, mà còn đối mặt với nhiều hiểm nguy khó lường, nhất là những hôm các chị phải thức đến 2-3g sáng để đợi xe về chở mía. Chị Nguyễn Thị Dung nhớ lại: “Hôm đó, trời tối om, tôi đi làm về bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, đến giữa rừng núi không một bóng người thì bỗng dưng xe xẹp lốp. Một gã thanh niên chặn đường xin tiền, giở trò sàm sỡ, tôi hoảng hốt bỏ cả xe chạy thoát thân”.
Mặt trời đứng bóng, bất chấp nắng nóng, mồ hôi nhễ nhãi, chị Dung, chị Lan và những người phụ nữ khác vẫn hăng hái làm việc. Chuyến xe này vừa rời đi, chưa kịp nghỉ tay, chiếc xe tải khác lại đến để các chị vác mía lên. Cuộc sống với họ đầy những nhọc nhằn, nhưng vì con cái, vì miếng cơm manh áo mà họ gắn bó với nghề này.
QUỐC HÙNG