Cùng với các chương trình, dự án khác, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) có nhiệm vụ giải quyết nhu cầu sử dụng nước cho người dân. Tuy nhiên, qua thời gian đi vào hoạt động, không ít công trình bộc lộ những hạn chế, kém hiệu quả.
Mặc dù được đầu tư nhiều công trình nước sạch, nhưng không ít thôn buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vẫn phải dùng chung giếng đào tập thể - Ảnh: P.NAM
NHỮNG TỒN TẠI CẦN KHẮC PHỤC
Theo UBND tỉnh, đến cuối năm 2011, có 74% người dân ở khu vực nông thôn Phú Yên được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, với bình quân 60 lít nước/người/ngày. Trong đó, Chương trình Nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2006-2010 đã góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu về nước sinh hoạt ở những vùng thiếu nước, nâng cao điều kiện sống và sức khỏe cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng nông thôn, miền núi.
Tuy nhiên, do các công trình cấp nước thời gian qua chủ yếu tập trung xây mới chứ chưa quan tâm đến việc nâng cấp, sửa chữa nên một số công trình gần như bị “lãng quên” dẫn đến hư hỏng nặng. Hiện còn một số công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã xuống cấp và gần như bỏ hoang, như công trình nước sinh hoạt thôn Phú Thịnh, xã An Thạch (huyện Tuy An). Chị Mai Thị Tùng ở thôn Phú Thịnh, một trong những hộ sử dụng nước sạch từ năm 2006, buồn phiền nói: “Có công trình nước nhưng hằng ngày, vợ chồng tôi phải thay phiên nhau gánh từng thùng nước để dùng. Đường xa, đi khó khăn nhưng không phải lúc nào cũng có nước”. Được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2002, công trình nước sinh hoạt nông thôn xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân do không được bảo quản tốt và duy tu sửa chữa thường xuyên cũng đã bị xuống cấp trầm trọng...
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân là do công tác quản lý, vận hành sau đầu tư chưa đồng bộ nên một số công trình chưa phát huy hết công suất theo thiết kế hoặc thường xuyên bị hư hỏng; nhu cầu về vốn để sửa chữa, mở rộng các công trình cấp nước tập trung của các địa phương, đơn vị quá lớn. Trong khi đó, lại thiếu quy định cơ chế chính sách và mức hỗ trợ để thực hiện… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện tốt từ khâu chuẩn bị, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, duy tu bảo dưỡng sau đầu tư.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Từ năm 2006-2010, Phú Yên đã đầu tư hơn 310 tỉ đồng xây dựng các công trình nước sạch, trong đó vốn ngân sách Trung ương và các nguồn hỗ trợ khác gần 97 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 641 triệu đồng, còn lại là vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Chương trình 134, 135. Nguồn vốn Chương trình Nước sạch và VSMTNT đã xây dựng 40 công trình cấp nước tập trung, ngoài ra còn đầu tư 291 công trình cấp nước cho các trường học và trạm y tế.
Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT cho biết: UBND tỉnh đã triển khai phân cấp quản lý công trình nước sạch cho cấp huyện, xã để thuận tiện trong điều hành. Những công trình đã có tổ chức quản lý, vận hành phải rà soát lại mô hình cơ chế hoạt động, khắc phục những hạn chế, sớm thành lập tổ chức quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung, không để tình trạng công trình hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí. UBND tỉnh cũng đã đề ra các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển mạng lưới nước sạch và VSMTNT theo định hướng của Nhà nước; huy động sự tham gia cộng đồng, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch từ khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn kỹ thuật, giám sát xây dựng, đến quản lý khai thác...
Theo UBND tỉnh, Chương trình Nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2011-2015 cần khoảng 400 tỉ đồng, phấn đấu cấp nước sinh hoạt cho trên 90% dân số nông thôn, trong đó trên 50% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 100% nhà trẻ, trường học, trạm xá, chợ, trụ sở xã và các công trình công cộng khác ở nông thôn có đủ nước để dùng.
Để đạt được mục tiêu trên, Phú Yên tập trung phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường ở tất cả các cấp, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung. Công tác đào tạo phải theo hướng thực hành hơn là lý thuyết; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cấp huyện, xã; tập trung đào tạo thợ, cán bộ bảo trì, vận hành là người địa phương, người đồng bào dân tộc thiểu số để tạo việc làm và phát triển nghề nghiệp; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ cho công tác này.
PHƯƠNG NAM - ANH NGỌC