Thứ Năm, 10/10/2024 10:23 SA
Ông Thu mê chuyện làm vườn
Thứ Hai, 27/02/2012 08:00 SA

Bước qua tuổi 80 nhưng ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn Phú Yên vẫn say mê làm công tác hội, giúp nông dân phát triển kinh tế. 21 năm qua, ông đã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đồng thời trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho phù hợp với vùng đất. Nhờ đó, nhiều người dân ở các địa phương khấm khá nhờ làm vườn.

thu120227.jpg

Ông Trần Văn Thu

Sinh ra ở huyện Đồng Xuân trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 13 tuổi, ông Trần Văn Thu đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1955 tập kết ra Bắc, ông được phân làm chuyên viên ở Bộ Nông lâm theo dõi lĩnh vực lâm nghiệp và phụ trách mảng xây dựng hợp tác xã nông, lâm, nghiệp nên có kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp. Đến năm 1961, ông được chuyển về Phú Yên và đảm trách nhiều chức vụ như: Trưởng ban Tổ chức chính quyền huyện Đồng Xuân; Chủ tịch huyện Đồng Xuân; Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân; Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Phú Khánh… Đến năm 1989, ông làm Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Phú Yên, đến năm 1995 thì về hưu.

Năm 1991, ông Thu được bầu làm Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh. Để phát triển hội bền vững và đi vào chiều sâu, ông đã dựa vào tổ chức Mặt trận tỉnh để đặt vấn đề với Mặt trận, nông dân và tổ chức nông nghiệp các huyện để hình thành Hội Làm vườn các huyện. Bên cạnh đó, ông mời một số người có “máu” làm nông nghiệp vào tổ chức hội (mỗi huyện 5-7 người). Từ đó, nông dân đã được vận động tham gia phong trào trồng cây, làm vườn, nhất là trồng cây ăn quả, nuôi cá, nuôi vịt, bò… Hằng năm, ông tổ chức các hội nghị để báo cáo những việc làm được, chưa được, cần làm sắp tới và khen thưởng động viên kịp thời, nhờ đó phong trào hội ngày càng sôi nổi.

Sôi nổi về mặt phong trào thì chưa đủ, để nông dân có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, ông Thu đi vận động các nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực cây trồng, vật nuôi về cơ sở tập huấn, hướng dẫn cho nông dân nhưng không lấy tiền công. Bình quân mỗi năm ông Thu vận động tổ chức được 6 - 7 lớp tập huấn, mỗi lớp từ 30-40 người. Ông Thu cho biết: “Tôi đã thông báo trước với địa phương để báo cho dân về nội dung tập huấn, nhờ đó rất nhiều người đến dự. Trong buổi tập huấn, nhiều kinh nghiệm được đưa ra để người dân tiếp thu và áp dụng. Như trước đây, tôi vận động và hướng dẫn người dân ở Phú Hòa trồng cây khóm trên Đồng Din, ban đầu có vài hộ trồng và cho kết quả rất khả quan. Đến nay đã có hàng trăm hộ trồng với trên 150ha khóm, thu lại hiệu quả kinh tế khá cao”.

Nhờ trang bị kiến thức về kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC), đến nay nhiều người dân phát triển kinh tế từ những việc nuôi, trồng. Chất lượng cây mít, xoài… đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều nông dân đã phát triển kinh tế nông thôn theo chiều hướng tính cực, cây trái nhiều hơn, đất đai được sử dụng tốt hơn. Ông Thu nói: “Để có được kết quả đó, tôi phải chọn thời gian phù hợp để đào tạo nông dân theo kiểu bồi dưỡng nghiệp vụ, nghề nghiệp, những lớp ngắn ngày như vậy nông dân dễ tiếp thu hơn” .

Đến nay đã 81 tuổi, nhưng ông Trần Văn Thu vẫn tự đi xe máy xuống cơ sở để hướng dẫn trực tiếp cho nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Gần như tất cả các xã, phường trong tỉnh ông đều đi đến mở lớp tập huấn cho dân. Ông Phan Ẩn, thôn Tân Đạo, xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) chia sẻ: “Đến nay, gia đình tôi trồng hơn 10ha cây xà cừ, bạch đàn, gỗ dầu, đồng thời nuôi cá, bò, vịt nhiều… Mỗi năm, tôi kiếm được khoảng trăm triệu đồng cũng nhờ ông Thu đến hướng dẫn kỹ thuật. Tuy tuổi cao, nhưng ông rất tâm huyết và nhiệt tình xuống sát với dân để hướng dẫn, truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho người dân phát triển kinh tế. Việc làm này ít ai làm được”.

Khi hỏi đến việc “nghỉ” làm Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, ông Thu cười khà: “Làm công việc này không có tiền lương, bồi dưỡng, chủ yếu tự nguyện giúp dân nên để tìm người thay thế cũng rất khó. Để vận động, hướng dẫn dân cho tốt thì người chủ trì phải chịu khó, không đòi hỏi quyền lợi mà chủ yếu tạo quyền lợi cho nông dân là chính. Nếu tìm ra người thay thế, tôi cũng sẽ gắn bó với hội để cùng hướng dẫn cho dân đến khi tôi đi không nổi nữa mới thôi”. Ông Thu còn nói: Hàng loạt cây trồng, vật nuôi khác nhau, kiến thức trang bị cũng khác nhau nên nói một lần chưa chắc đã hết, vì vậy, mỗi năm mình phải bổ sung kỹ thuật cho dân mới cho kết quả cao. Làm công việc này tuy nhọc nhưng được gần dân nói chuyện, giải đáp thắc mắc và chỉnh sửa ngay những điều mà nông dân làm chưa hợp lý. Đây là hạnh phúc nhất của tôi trong những năm về già.

TRUNG HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek