Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” do các cấp Hội LHPN trong tỉnh phát động đã có nhiều phụ nữ nghèo được trợ giúp để cải thiện chất lượng cuộc sống. Đó cũng là nét đẹp truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc đang được phụ nữ Phú Yên gìn giữ và phát huy.
Phụ nữ xã An Phú (huyện Tuy An) cải thiện thu nhập từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: T.VĂN
Đa số phụ nữ ở các vùng nông thôn Phú Yên có cuộc sống vất vả, trình độ học vấn thấp, không nghề nghiệp, thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu đất trồng trọt, chăn nuôi… Bởi vậy, các cấp Hội phụ nữ cơ sở luôn chú trọng nhân rộng các mô hình xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) Lê Thị Hoa cho biết: “Trước đây, nhiều chị do thiếu vốn, nhất là khi bước vào vụ sản xuất, nên phải đi vay “nóng” với lãi suất cao, đến mùa thu hoạch lúa, phải lo trả nợ. Cả một vụ mùa làm lụng vất vả nhưng chẳng thu được bao nhiêu. Khó khăn đeo bám quanh năm. Từ nhiều năm nay, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, dưới hình thức tổ, nhóm tiết kiệm đã thu hút đông đảo phụ nữ trong xã tham gia. Việc góp vốn xóa nghèo thông qua những nhóm tiết kiệm giúp chị em có thêm nguồn vốn để mở các dịch vụ buôn bán nhỏ, chăn nuôi, mua sắm các vật dụng trong gia đình… mà không sợ rơi vào cảnh vay nặng lãi. Thông thường, mỗi nhóm tiết kiệm thu hút khoảng 20 chị tham gia, với mức đóng góp từ 20.000-50.000 đồng/người/tháng. Từ số tiền tích lũy được, nhóm sẽ ưu tiên cho người có hoàn cảnh khó khăn nhất vay trước để kịp thời giải quyết những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống.
Chị Đoàn Thị Sương ở thôn Phú Khánh (xã Hòa Tân Tây) thổ lộ: “May nhờ chị em trong tổ tiết kiệm giúp đỡ, tôi mới có vốn mua rau, dưa, bầu bí, cá tôm… đi bán dạo kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày và nuôi con ăn học”. Nghèo khó, sống trong cảnh lẻ loi, mặc cảm vì nuôi con một mình, người đàn bà ở tận cùng sự đau khổ này ứa nước mắt chia sẻ: “Nếu không có hội phụ nữ giúp đỡ, không biết cuộc sống của mẹ con tôi sẽ ra sao?”. Bây giờ, cuộc sống của mẹ con chị Sương đã khác xưa. Chị Sương xây được nhà ngói, con cái được đi học, những chuỗi ngày tươi sáng dần hiện ra trước mắt. Chị cảm kích: “Trong những ngày tháng khó khăn nhất, tôi luôn nhận được sự đùm bọc, sẻ chia giúp đỡ của chị em cả về tinh thần lẫn vật chất. Cả đời tôi sẽ không bao giờ quên những đồng vốn đầy nghĩa tình này”.
Người dư lúa giống thì cho mượn lúa giống, người nuôi heo nái đẻ thì cho mượn con giống, người thì giúp nhau ngày công lao động cấy dặm, cắt lúa, trồng mía, trồng sắn… Đó là những cách mà phụ nữ Phú Yên giúp nhau làm kinh tế gia đình, cách để họ xích lại gần nhau để sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Nhờ thực hiện tốt việc tương trợ xóa đói giảm nghèo mà bây giờ đời sống của phụ nữ xã An Phú (huyện Tuy An) ngày càng được nâng cao. Chủ tịch Hội LHPN xã An Phú Nguyễn Thị Là chia sẻ: “An Phú là một xã bãi ngang ven biển, đời sống người dân nói chung và phụ nữ trên địa bàn nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Với tinh thần tương thân tương ái của chị em trên địa bàn, Hội đã vận động xây dựng quỹ Vì phụ nữ nghèo có 4.674 lượt chị tham gia, với số tiền hơn 4,6 triệu đồng. Đồng thời, Hội còn vận động chị em đóng góp giúp 62 phụ nữ nghèo trên 17 triệu đồng; hàng tháng còn giúp 64 chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, cải thiện đời sống kinh tế.
Với phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, Hội LHPN chín huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã linh hoạt trong chỉ đạo, khơi dậy tiềm năng của từng địa phương. Một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả hoạt động này là Hội LHPN TX Sông Cầu. Từ phong trào này, trên địa bàn thị xã đã xuất hiện nhiều mô hình giúp phụ nữ nghèo được xây dựng và phát triển tại cộng đồng, với tổng số vốn được huy động trên 1 tỉ đồng (bao gồm 1.319kg lúa, 1.517 ngày công lao động, 400 con tôm giống, 31 con heo giống, 1 tấn mía giống, 30 chỉ vàng y…) giúp 625 phụ nữ nghèo đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Kim Chi cho biết: Từ nhiều năm nay, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm tăng thu nhập luôn được coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cấp hội. Các cấp hội thường xuyên tổ chức khảo sát nắm danh sách số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ từng địa phương để đưa vào diện hỗ trợ. Hội chú trọng phương thức vận động chị em tương trợ, giúp nhau vốn, cây, con giống, vật nuôi cũng như huy động nguồn vốn sẵn có trong chị em dưới hình thức tín dụng tiết kiệm, bên cạnh tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng… Nhiều năm trở lại đây, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” tiếp tục được duy trì và phát triển rộng khắp ở các địa phương với nhiều hình thức thiết thực. Phong trào này đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống tương thân tương ái trong các tầng lớp phụ nữ ở Phú Yên. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã có 23.551 phụ nữ nghèo được giúp đỡ với nhiều hình thức, trong đó có 2.320 chị thoát nghèo.
NGỌC DUNG