Nối nghiệp từ đời cha, bao nhiêu năm giữ nghề chấp lệnh múa siêu cho các lễ hội trong tỉnh, ông Huỳnh Kim Bông (SN 1941) ở xóm Bến, thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An được xem như một người đóng vai chính, giữ hồn cho phần lễ trong các lễ hội diễn ra khắp tỉnh Phú Yên.
Ông Huỳnh Kim Bông với những dụng cụ luyện tập cho đội múa siêu tại nhà - Ảnh: T.TRỰC
MÊ NGHỀ
Quê gốc ở làng Tân Hòa, xã An Hòa, ông Huỳnh Kim Bông lấy vợ rồi lập nghiệp ở xóm Bến, thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp. Sống bên mặt đầm Ô Loan, không có ruộng đất, vợ chồng họ phải kiếm sống bằng nghề chấn tôm đất, mò hàu dưới đầm. Những lúc trời động, vợ chồng ông còn phải lên núi hái củi, cắt tranh thuê… kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nay, các con đã có gia đình riêng, còn vợ chồng ông vẫn sống trong căn nhà cũ.
Ngoài công việc lao động thường ngày, ông Bông còn đam mê múa siêu. Đặc biệt từ 1976 đến nay, ông là bầu trưởng cũng là “huấn luyện viên” trong đội múa siêu do ông tự lập tại địa phương. Đội siêu của bầu Bông nổi tiếng, được mời đi diễn phục vụ các lễ hội do xã, huyện, tỉnh tổ chức ở khắp các vùng ven biển trong và ngoài tỉnh.
Để có một đội siêu hoành tráng, ông Bông một mình lặn lội đến các vùng biển học thêm nghề rồi tích góp kinh nghiệm. Các khâu từ chuẩn bị người, tập luyện, đào tạo họ lành nghề, mua trang bị dụng cụ rồi chịu trách nhiệm chính về nội dung cũng như thể thức, đảm bảo độ uy tín, tạo được lòng tin với mọi người là cả một quá trình. Thông thường, bầu Bông và các thành viên trong đội phải dày công tập luyện. Đến khi có lễ hội, tất cả các thành viên phải ôn lại thật nhuyễn các bài múa trước khi biểu diễn. Ông Bông là huấn luyện chính, sân nhà ông là bãi tập. Tính từ 1976 đến nay, ông đã huấn luyện cho gần trăm trai làng nhiều lứa tuổi thông thạo các bài cơ bản tham gia múa siêu ở các lễ hội.
Ngoài đam mê, yêu nghề ông Bông còn chuẩn bị trang phục và cất giữ cẩn thận các dụng cụ có liên quan. Ông tâm sự: “Dụng cụ, trang phục mình tự lo. Thường hết mùa xuân thì hết lễ hội, nên sau khi diễn song, mình phải bảo quản tốt để năm khác lại tiếp tục”.
NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU
Ngoài sức khỏe, người làm bầu múa siêu đòi hỏi phải có nhiều yếu tố khác như đam mê, nhanh nhạy và nhiệt tình. Chỉ việc chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cũng đủ thấy mệt, nào là trống lớn, trống nhỏ, quần áo, bao tay, bao chân, giày dép, mũ, các cây siêu… Giá cả các trang phục này không đắt lắm, với 300.000 đồng một bộ áo quần, 80.000 đồng một cây siêu… nhưng đối với ông Bông sắm đủ cho cả một đội múa cũng không quá dễ dàng. Đó là chưa kể mỗi năm phải bổ sung, thay mới trang phục, dụng cụ. Tiếp theo là yếu tố con người. “Một đội siêu diễn trong phần lễ ở các lễ hội gồm có tám người múa và một người chấp lệnh. Trong đó, bao giờ ông cũng là người đóng vai chính đánh trống chấp lệnh cho các thành viên múa theo. Người múa dẻo, nhanh phải là người qua tập luyện công phu, tạng người phải gầy, nhanh nhẹn thì điệu múa mới linh hoạt và đồng bộ”, ông Bông cho biết.
Ông Huỳnh Kim Bông (bìa trái) đang hướng dẫn đội múa tại lễ hội Đền Lê Thành Phương - Ảnh: K.CHI
Cách đây khoảng 10 năm, đội siêu của ông có rất nhiều người tham gia. Ai nấy cũng hồ hởi nhiệt tình mỗi lần được đi múa ở các lễ hội lớn hoặc ở các làng biển. Mỗi bận tham gia múa hát cầu an ở biển phải mất mấy ngày, thù lao được chia đều, các anh em phấn khởi. Thế nhưng những năm gần đây, người tham gia vào đội siêu thưa dần. Theo ông Bông nguyên nhân chính là do hải sản ở đầm Ô Loan cạn kiệt, trai làng phải đi làm ăn xa, mỗi khi có lễ hội rất khó tìm cho đủ người vào đội siêu”.
Riêng lễ hội Đền Lê Thành Phương (tại xã An Hiệp, huyện Tuy An), năm nào ông Bông cũng được ban tổ chức mời diễn. Do đó, giá nào ông cũng phải triệu tập đủ anh em tham gia tập luyện. Vai trò của ông lúc này khá quan trọng, từ việc đạo diễn đến đôn đốc quán triệt tinh thần để các thành viên tham gia tốt buổi lễ. Tuy nhiên, hai lần gần đây, bầu Bông gặp những khó khăn trong việc tìm quân số. Ngoài chuyện đi làm ăn xa, còn là do thù lao ít, không xứng công tập luyện diễn nên anh em không nhiệt tình tham gia. Nêu rõ những khó khăn trong phần diễn tại hội Đền Lê Thành Phương vào ngày 28 tháng Giêng hằng năm, ông Bông nói: “Thông thường các năm trước, phần lễ chỉ được tổ chức trong một ngày, đội chúng tôi tập trước rồi diễn trong thời gian khoảng 20 phút. Sau đó ban tổ chức bồi dưỡng 500.000 đồng, anh em chia nhau mỗi người 50.000 đồng, còn lại 50.000 đồng bù vào khoảng hao mòn trang phục, dụng cụ. Những năm gần đây, do tính chất lễ hội lớn hơn, tổ chức hai ngày. Ngày trước chúng tôi phải tham gia rước lễ, nghinh và cúng tế lễ, ngày hôm sau phải múa trong phần khai lễ. Hai ngày nhưng ban tổ chức cũng chỉ bồi dưỡng có 500.000 đồng cho cả đội, ít quá nên một số anh em không mặn mà không tham gia nữa”. Một thành viên trong đội siêu cho biết, trong những ngày đó họ đứng ra giữ xe, thu nhập cao hơn nhiều lần so với múa siêu. “Lễ hội Đền Lê Thành Phương năm nay (28 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), nếu các thành viên cũ không chịu tham gia, tôi sẽ chủ động tập luyện con cháu trong nhà để cho phần diễn được bài bản hơn”, ông Bông giãi bày.
Năm 2011, UBND xã An Hiệp đã trao giấy mừng thọ ông Huỳnh Kim Bông tròn 70 tuổi. Gần 40 năm tham gia giữ hồn chính trong nhiều lễ hội, đến nay ông Bông vẫn là người yêu nghề và là người duy nhất ở huyện Tuy An biết nghề chấp lệnh múa siêu. Nói về cái khó trong những ngày tiếp theo, ông tâm sự: “Lớp trẻ có đông nhưng chúng không chịu làm vì nhiều lý do. Con cháu tôi có nhiều nhưng chúng cũng lo đi làm ăn khắp nơi, chỉ có con trai Huỳnh Kim Em (SN 1969) đồng ý nối nghiệp cha, tôi mừng quá”.
TẤN TRỰC