Nhiều cán bộ, hội viên Hội phụ nữ do hoàn cảnh bất đắc dĩ trở thành trụ cột trong gia đình. Song các chị không chỉ chịu thương chịu khó vượt lên hoàn cảnh, nuôi dạy con học thành tài mà còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội.
Ngoài chăm lo cho gia đình chu đáo, chị Lại còn là một cán bộ tích cực của Hội phụ nữ - Ảnh: L.HẢO
HẾT LÒNG VÌ GIA ĐÌNH
Người dân ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa không ai không biết đến hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Nguyễn Thị Lại. Đã hơn 23 năm, người phụ nữ ấy chống chọi với nghịch cảnh, một mình nuôi chồng bại liệt, con trai bị bệnh động kinh và mẹ chồng già yếu. Chồng chị trước kia vốn là đội trưởng đội bảo vệ thực vật HTX Hòa Trị I. Một ngày năm 1988, khi phun thuốc trừ sâu cho HTX, anh Bá bị ngất. Bác sĩ nói anh bị nhiễm độc thuốc trừ sâu mức độ nặng. Thương chồng, chị Lại bán tất cả tài sản trong nhà, đưa chồng đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của anh không hề thuyên giảm. Cơ thể anh mất hết khả năng kiểm soát rồi ngồi luôn một chỗ trên xe lăn. Tiếp đó, năm 2004, cậu con trai út của chị bỗng đột nhiên bị động kinh lúc vừa tròn 20 tuổi. Bao gánh nặng đè lên vai, chị Lại trở thành trụ cột bất đắc dĩ trong gia đình. Một thân một mình, vừa phải chăm sóc chồng, lo cho con, vừa phải phụng dưỡng mẹ chồng già yếu, thường xuyên đau bệnh, chị Lại phải mưu sinh bằng nhiều nghề từ cắt lúa thuê, buôn gà vịt đến nhặt ve chai để nuôi cả nhà.
Cùng hoàn cảnh với chị Lại có cô Nguyễn Thị Minh Huyền, giáo viên Trường tiểu học số 1 xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa. Chồng của cô Huyền trước đây là công nhân của Nhà máy đường Tuy Hòa. Năm 2001, chồng cô bị tai nạn giao thông, mất sức lao động 97% phải nằm một chỗ. Ngoài trở thành lao động chính duy nhất trong gia đình, cô còn phải chăm sóc chồng, phụng dưỡng mẹ già đã hơn 85 tuổi, nuôi dạy hai con nhỏ. Cô Huyền tâm sự: “Không may rơi vào hoàn cảnh đó, là phụ nữ, mình phải hy sinh vì chồng, vì con. Thương hai đứa nhỏ ngoan ngoãn, chăm học nên tôi phải cố gắng vì tương lai của các cháu”. Khi hai con lần lượt thi đậu đại học ở TP Quy Nhơn và TP Hồ Chí Minh, cô chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền lo chi phí học tập và sinh hoạt cho các con. Cuộc sống khốn khó và vất vả nhưng chưa bao giờ cô Huyền than vãn. Với cô, còn sức để chăm lo cho gia đình vẹn toàn là đã một niềm hạnh phúc.
Còn cô Nguyễn Thị Thu Duyên, giáo viên môn Sinh học Trường THCS Lê Lợi, từ khi chồng bị bệnh đau cột sống, không thể ngồi lâu và làm việc nặng, phải thôi nghề chạy xe lam mưu sinh, cô phải gồng mình cáng đáng mọi việc lớn bé trong gia đình. Khó khăn chồng chất khó khăn khi với đồng lương giáo viên ít ỏi, cô Duyên vừa phải chi trả mọi sinh hoạt trong cuộc sống, mua thuốc men cho chồng và nuôi cậu con trai học đại học. “Nhiều lúc vất vả thật nhưng vì thương chồng, con nên tôi phải cố gắng”, cô Duyên chia sẻ.
TÍCH CỰC THAM GIA CÔNG TÁC HỘI
Tuy phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách trong nghịch cảnh cuộc sống, nhưng những người phụ nữ ấy vẫn hoàn thành tốt bổn phận của mình. Hơn 10 năm trở thành trụ cột của gia đình, cô giáo Nguyễn Thị Minh Huyền đã làm tốt vai trò vợ hiền, dâu thảo. Ngoài chăm lo cho chồng và mẹ chồng chu đáo, cô Huyền còn luôn cố gắng nâng cao nghiệp vụ trong giảng dạy và tích cực tham gia các hoạt động xã hội do Trường tiểu học số 1 xã Hòa Bình 2 và huyện Tây Hòa tổ chức. Cô cũng thường xuyên động viên các chị em trong thôn, xóm có cùng hoàn cảnh vượt khó. Hai con của cô giờ đã học hành thành đạt. Con trai lớn Lê Minh Thiên từng là thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2004 của Trường đại học Quy Nhơn, vừa tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi, đang là giảng viên Trường đại học Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh. Còn cô con gái út Lê Thị Minh Thi từng là á khoa kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008 của Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, đang là du học sinh ngành Hóa học và các quy trình tại Trường đại học Joseph Fourier (Pháp).
Với cô giáo Nguyễn Thị Thu Duyên, niềm vui lớn nhất sau bao năm gồng mình giải quyết bài toán chi tiêu trong gia đình là bệnh đau cột sống của chồng đã thuyên giảm và cậu con trai Nguyễn Nhật Nguyên xuất sắc được nhận học bổng du học chuyên nghành nghiên cứu về Marketing tại Trường đại học Lille 2 (Pháp) của Tổ chức Khối các trường đại học Pháp ngữ (gọi tắt là AUF) sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ngoài làm tròn vai trò của một người mẹ, người vợ, cô còn là một giáo viên có chuyên môn giỏi và năng nổ trong các hoạt động của Trường THCS Lê Lợi.
Còn chị Nguyễn Thị Lại, gia cảnh đã khốn khổ tưởng như không còn gì để hy vọng, nhưng chị vẫn lạc quan vượt lên hoàn cảnh. Không chỉ chăm lo chu đáo cho những người thân trong gia đình, chị còn đảm nhận vai trò chi hội trưởng phụ nữ thôn Quy Hậu. Nhiều lần, chị đã lắng nghe, tư vấn về những vấn đề rắc rối trong gia đình của các phụ nữ trong xóm. Mỗi lần có mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, các chị em lại tìm tới chị tâm sự và tìm hướng đi đúng. Với chị Lại, giữa ngàn nỗi khổ, phải biết lạc quan lên mà sống và tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ cũng chính là cách chủ động với cuộc đời mình. Chị chia sẻ: “Mình tham gia công tác xã hội mới thấy cuộc đời tươi đẹp hơn, để có tinh thần mà chống lại hoàn cảnh bản thân”.
KHÁNH HÀ