Đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm cho người lao động đang là hướng đi của nhiều cơ sở đào tạo nghề hiện nay. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Đinh Quốc Văn, Trung tâm Dạy nghề Công đoàn Phú Yên xung quanh kế hoạch đào tạo nghề trong thời gian tới.
Dạy nghề nấu ăn cho lao động xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) - Ảnh: N.HÂN
* Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, trung tâm đã triển khai những việc làm gì để giúp người lao động có thể tiếp cận đề án?
Trong 9 năm qua, Trung tâm Dạy nghề Công đoàn Phú Yên đã tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho hơn 15.000 lượt lao động, liên kết đào tạo nghề cho hơn 2.000 học viên. Tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho gần 1.000 lao động, đào tạo và tổ chức sát hạch lái mô tô cho 43.300 lượt người…
- Trung tâm đã tổ chức nhiều hình thức dạy nghề: vừa dạy tại trung tâm, vừa mở các lớp lưu động tại các xã, phường. Thời gian học phù hợp với thời vụ sản xuất của nông dân, lựa chọn đội ngũ giáo viên có trình độ, nhiệt tình, có kinh nghiệm để truyền đạt kiến thức cho người lao động. Ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của người học, phù hợp với giới tính và độ tuổi; dễ tìm việc làm sau khi học nghề. Hiện trung tâm đang phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân và Công đoàn xã, phường tổ chức tư vấn học nghề, tuyển sinh, đồng thời phối hợp với UBND phường Phú Lâm, Phú Thạnh, xã Bình Kiến và An Phú (TP Tuy Hòa) tổ chức các lớp học nghề tại các địa phương này.
* Có một thực tế hiện nay là tác phong làm việc theo hướng công nghiệp của người lao động trong tỉnh còn yếu, trung tâm có biện pháp gì giúp người lao động khắc phục tình trạng này?
- Phú Yên đang thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực hóa lọc dầu, du lịch… nên nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn. Đó là tín hiệu tích cực, nhưng cũng là thách thức đối với các đơn vị cung ứng lao động. Nguồn lao động chưa có việc làm trong tỉnh chủ yếu từ các vùng nông thôn, chưa được đào tạo nghề, vì vậy phải có sự can thiệp từ các cấp, ngành nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người lao động. Điều này cũng giúp trung tâm đào tạo đúng ngành nghề theo nhu cầu, cơ cấu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; phải làm cho người lao động có tinh thần tự giác, tay nghề vững, có ý thức chấp hành kỷ luật lao động để đáp ứng đủ yêu cầu của xã hội.
Ngoài nhiệm vụ đào tạo, giới thiệu việc làm, trung tâm còn chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động. Do đó, trung tâm phải có trách nhiệm cùng với công đoàn cơ sở, các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao trình độ tay nghề, kiến thức pháp luật, ý thức kỷ luật lao động cho người lao động.
* Năm 2012, trung tâm có kế hoạch đào tạo bao nhiêu lao động có tay nghề và thuộc ngành nghề nào?
- Hiện trung tâm tiếp tục liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh có khả năng thu nhận nhiều lao động nữ, lao động có thời gian đào tạo ngắn và phù hợp với đặc điểm lao động nông thôn Phú Yên như: Công ty cổ phần may An Hưng, Công ty May xuất khẩu Cavina, Công ty Hoàng Gia Đăng, Công ty May Phúc Phong, Công ty Giày Đức Thành… Năm 2012, trung tâm tập trung đầu tư trang thiết bị, tuyển chọn giáo viên và nâng cao chất lượng dạy nghề ở trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới ba tháng về kỹ thuật chế biến các món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, may công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, phục vụ bàn, hướng dẫn viên du lịch…
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC HÂN (thực hiện)