Quyết định 612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung kinh phí, giải quyết chế độ đối với cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức trong thời gian qua có ý nghĩa to lớn và ghi nhận sự đóng góp của họ với công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở.
Cán bộ chuyên trách công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở thường xuyên tiếp xúc, vận động người dân thực hiện KHHGĐ - Ảnh: P.NHÃ
Năm 2008, Phú Yên thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em (DS-GĐ-TE) đưa công tác DS-KHHGĐ về ngành Y tế. Theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, tuyến trung ương có Tổng cục DS-KHHGĐ, tuyến tỉnh có Chi cục DS-KHHGĐ, tuyến huyện có Trung tâm DS-KHHGĐ và tuyến xã (cơ sở) có cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ.
Tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 05/2008/TT-BYT, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương. Theo đó, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ được chuyển về trạm y tế xã và là viên chức thuộc trạm y tế. Tuy nhiên, muốn được thành viên chức, cán bộ chuyên trách phải đạt năm tiêu chuẩn, trong đó, tiêu chuẩn về bằng cấp và tuổi tác là khó đạt, điều này khiến cho rất nhiều người không yên tâm công tác, nhiều người không đủ điều kiện tiếp tục làm việc.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể vì đã xây dựng được hệ thống cán bộ chuyên trách giàu kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác và cộng tác viên dân số ở khắp các thôn, xóm, bản, làng, cụm dân cư... Đội ngũ này đóng vai trò quan trọng, góp phần lập nên thành tích công tác DS-KHHGĐ tỉnh nhà. Nhưng vì những lý do khác nhau, họ không đạt được tiêu chuẩn để trở thành viên chức, vì vậy, Bộ Y tế đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nên có một chế độ đãi ngộ phù hợp, ghi nhận những cố gắng nỗ lực của họ trong suốt thời gian cống hiến cho công tác DS-KHHGĐ.
Sự cống hiến của cán bộ chuyên trách đã được minh chứng thông qua những hành động và việc làm của họ. Do đó, ngày 6/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 612/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí giải quyết chế độ đối với cán bộ DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức. Theo đó, một cán bộ chuyên trách phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức sẽ được hỗ trợ ở mức 350.000 đồng/năm công tác.
Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên Đỗ Thị Như Mai, cho biết: “Quyết định 612 là sự quan tâm, động viên kịp thời đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở. Phú Yên hiện có 112 cán bộ chuyên trách. Trong đó, nhiều người làm công tác từ 10-16 năm, giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, có những cán bộ là người dân tộc thiểu số có sự đóng góp không nhỏ trong việc chuyển đổi hành vi của đồng bào mình, nhưng vì tuổi quá lớn, trình độ không đạt phải nghỉ việc khi sắp xếp lại tổ chức, nếu không có chế độ ưu đãi này là một điều thiệt thòi cho họ. Tuy nhiên, đến nay Phú Yên là tỉnh duy nhất mà một cán bộ chuyên trách vẫn phải đảm nhiệm ba công việc DS-GĐ-TE chỉ hưởng lương 0,9; cộng tác viên chỉ nhận 80.000 đồng/người/tháng, điều này không thể khích lệ tinh thần làm việc lâu dài ở họ. Điều đáng nói, để được tiếp tục cống hiến cho công tác dân số, hơn 60% trong số họ phải tự bỏ tiền để đi học nâng cao trình độ. Do đó, trong thời gian đến cần có một chế độ ưu đãi phù hợp cho cán bộ chuyên trách”.
Chị Nguyễn Thị Hợp, cán bộ chuyên trách xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), chia sẻ: “Gắn bó với công tác dân số gần 13 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy mệt mỏi với công tác này. Tuy nhiên, những người làm công tác như tôi rất cần sự quan tâm, động viên và được hưởng chế độ xứng đáng với công sức bỏ ra. Theo tôi, Nghị định 612 của Thủ tướng Chính phủ là nguồn động viên rất lớn, kịp thời cho những người phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức, giúp cho cuộc sống của họ có ý nghĩa khi được cộng đồng ghi nhận cống hiến. Đồng thời, cổ vũ tinh thần cho những người ở lại tiếp tục với công việc”.
“Công tác dân số có mối liên quan rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đến các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh. Làm tốt công tác DS-KHHGĐ là khâu hết sức then chốt để nâng cao nguồn nhân lực, mà những cán bộ chuyên trách là một bộ phận đảm bảo bộ máy thông suốt. Thời gian tới, để công tác DS-KHHGĐ Phú Yên đạt kết quả tốt hơn, các cấp cần quan tâm xây dựng, kiện toàn đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở; đầu tư trang thiết bị cho cán bộ chuyên trách” bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên nhấn mạnh.
PHONG NHÃ