Câu chuyện cụ Nguyễn Thị Ngừng, 88 tuổi, là vợ của liệt sĩ Trương Tố và mẹ của liệt sĩ Trương Ngọc Thạch ở thôn Quảng Mỹ (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) bị chính con gái ruột đuổi ra khỏi nhà và phải che tạm lều nhựa để ở giữa trời gió rét làm nhiều người rất đau lòng.
Cụ Nguyễn Thị Ngừng trong căn lều tạm - Ảnh: V.CƯ
Biết là không dễ dàng tiếp cận với sự việc của người mẹ đáng thương này nên chúng tôi vào UBND xã Hòa Mỹ Tây nhờ chính quyền trợ giúp. Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Bảy liền hội ý với Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Dũng và thống nhất cử cán bộ tư pháp xã cùng tháp tùng. Trước khi đi, chính quyền xã còn nhắc, nếu có vấn đề gì nghiêm trọng các anh gọi điện về, chúng tôi sẽ cử công an, du kích xã hỗ trợ.
CON ĐUỔI MẸ RA KHỎI NHÀ
Trời mưa, gió rít làm cho đoạn đường vào thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây thật lạnh lẽo. Anh cán bộ tư pháp dừng xe lại và chỉ cho chúng tôi thấy một mái lều nhựa, bên trong có một cụ bà ngồi co ro trên tấm vạt giường cũ, bên cạnh là một bếp lò đất nguội lạnh. Đó là cụ Nguyễn Thị Ngừng, 88 tuổi, là vợ của liệt sĩ Trương Tố và mẹ của liệt sĩ Trương Ngọc Thạch.
Mưa gió lạnh, sao cụ không vào nhà mà lại ở đây? Nghe chúng tôi hỏi, cụ Ngừng liền chỉ tay vào ngôi nhà đối diện, nói trong nước mắt: “Đó là nhà tôi, nhưng tôi không vào được. Bàn thờ ông bà, tổ tiên mà nó cũng đem quăng ra chuồng bò, còn lư hương nó ném xuống bầu Quay trước nhà. Hôm trước, trời mưa quá, tôi đem tấm vạt giường kê ở trước hiên nhà để nằm, mẹ con nó về đem quẳng ra ngoài vườn. Không còn chỗ nào nằm, tôi nhờ thằng cháu nội là Trương Ngọc Thủy (con của liệt sĩ Trương Ngọc Thạch) giăng tấm nhựa ở tạm ngoài vườn”.
- Ai dám ngang tàn với cụ vậy?
- Thì con Đỉnh (Trương Thị Đỉnh) chứ ai! Nó là con gái út của tôi mà lại làm như vậy đó!
- Sao cụ không báo chính quyền giúp đỡ?
- Có chứ! Nhiều lần nữa là khác. Chính quyền nhiều lần đến giải quyết, lập biên bản giải hòa, càng lập biên bản giải hòa thì nó càng lấn tới. Tháng 8 vừa rồi, may chút nữa tôi chết chứ mấy. Sáng hôm ấy, tôi đau bụng và đi ngoài thì nó đến. Nó mang theo bình xi rum đầy mắm cái thúi, trộn với thuốc trừ sâu ném vào giường tôi. Kể từ đó, mẹ con nó liên tục không kể trưa, tối hay lúc nửa đêm, gà gáy kéo đến thóa mạ tôi với những lời rất khó nghe.
Tìm hiểu từ bà con lối xóm, chúng tôi còn biết thêm, không chỉ có bà Đỉnh hỗn láo, chửi bới người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra mình mà đau lòng hơn là chính con trai của bà Đỉnh, cũng là cháu ngoại cụ Ngừng là Nguyễn Thành Hưng, học sinh lớp 10 cũng hùa với mẹ, có lần nó cầm dao bấm, tay ngoắc bà, miệng tróc chó. Còn chị của Hưng cũng dùng những lời lẽ thất học chửi bà ngoại.
Khoảng 10 phút sau, bà Đỉnh và con gái là Chi đến. Với vẻ kiềm nén, bà Đỉnh mở cửa mời chúng tôi vào nhà và hỏi: “Các anh đến đây có việc gì? Sao tôi không có nhà mà lại vào nhà tôi?”. Khi biết chúng tôi là bạn cùng chiến đấu với liệt sĩ Trương Ngọc Thạch đến thăm cụ Ngừng nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), bà Đỉnh dịu giọng: “Tôi đâu có đẩy bả ra ngoài, tôi đã mời bả vào nhưng bả không vào đấy chứ!”. Bà Đỉnh còn thao thao nói: “Nhà đây là nhà của tôi, những thứ không phải của tôi nên tôi vứt. Đất này đã được nhà nước cấp quyền sử dụng, tôi bỏ tiền xây dựng nên nó là nhà của vợ chồng tôi…”. Chúng tôi không muốn để bà Đỉnh đi quá sâu vào chuyện gia đình với thông tin một chiều nên chỉ nói về trách nhiệm, lương tâm của một người con đối với mẹ già và chào bà ra về.
Trên đường về, chúng tôi vẫn còn áy náy về chuyện của mẹ con cụ Ngừng. Để chứng minh và không bàn luận thêm, anh cán bộ tư pháp liền bảo: “Các anh thử quay lại xem thì sẽ rõ”. Quả thật, khi quay lại, chúng tôi thấy mẹ con bà Đỉnh thay nhau chửi bới cụ Ngừng với những lời lẽ thô tục và đầy thách thức.
CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG HÒA GIẢI KHÔNG THÀNH
Về lại UBND xã Hòa Mỹ Tây, chúng tôi được chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Tháng 4/2011, cụ Nguyễn Thị Ngừng hủy di chúc để lại tài sản cho bà Trương Thị Đỉnh, từ đó mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa cụ Ngừng và bà Đỉnh ngày càng cao. Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi đã áp dụng rất nhiều biện pháp hòa giải nhưng bà Đỉnh không chịu tiếp thu mà ngày càng gây mất trật tự. Khi mâu thuẫn lên cao, bất kể thời gian nào, chúng tôi đều cử cán bộ đến phối hợp cùng thôn giải hòa. Mặt khác, chúng tôi đã cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng cứ về tài sản cũng như biên bản giải quyết sự việc “Bà Đỉnh ném mắm và thuốc trừ sâu vào nhà cụ Ngừng” (lập lúc 8g45 ngày 4/11/2011); “Việc bà Đỉnh khóa cửa đẩy cụ Ngừng ra ngoài, không cho cụ Ngừng trú ở hàng ba hiên nhà” (lập lúc 10g30 ngày 9/12/2011) đến UBND huyện, Tòa án nhân dân huyện”. Tiếp chúng tôi chưa được 10 phút, ông Dũng lại nhận điện thoại báo việc mẹ con bà Đỉnh đang tiếp tục chửi bới và gây áp lực với cụ Ngừng. Ông Dũng liền chỉ đạo công an xã đến tiếp cận.
Ông Dũng còn cho biết thêm về gia đình bà Trương Thị Đỉnh. Bà Đỉnh hoạt động nghề y tự do trên địa bàn thôn. Chồng là Nguyễn Thành Hiếu, đảng viên, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Mỹ Tây. Ông Hiếu cho rằng mình không tham gia vào sự việc trên, đó là quyền của vợ và là việc nội bộ gia đình. Tuy nhiên, với tư cách là một đảng viên, Đảng ủy xã đã có hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Thành Hiếu.
Cụ Nguyễn Thị Ngừng sinh bảy người con, là vợ của liệt sĩ Trương Tố, đồng thời là mẹ của liệt sĩ Trương Ngọc Thạch đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bản thân bà bị chính quyền Sài Gòn bắt giam từ năm 1973-1975 khi làm cơ sở cho cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng II. Nỗi đau chiến tranh nay đã lùi dần, nhưng nỗi đau từ chính con cái mình mang lại cứ âm ỉ, cắt ruột người mẹ già nua này. Mong rằng các cấp, các ngành có liên quan nên có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này để cụ Ngừng tìm được niềm vui trong cuộc sống những ngày cuối đời.
PHI CÔNG - VĂN CƯ