Được dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, sau đó làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt công việc của mình và được quần chúng tin tưởng, yêu mến. Đó là Ma Blung, 59 tuổi, người Ê Đê, ở thôn Đoàn Kết (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa).
Ma Blung (giữa) đang trò chuyện với dân - Ảnh: N.TÂN
Tôi tìm đến nhà Ma Blung và may là có ông ở nhà. Ánh mắt hiền từ cùng với cách nói chuyện cởi mở, ông cho biết: “Sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em và lớn lên ở vùng đất có truyền thống cách mạng, năm 1974, mình lên đường tham gia quân giải phóng. Năm 1978, xuất ngũ về lại buôn làng, mình thấy bà con vẫn còn mê tín. Có những người bị bệnh bình thường nhưng cho là bị ma bắt, họ mời thầy mo về cúng heo, cúng bò hay lên rừng tìm cây thuốc đắp qua loa, không đi trạm xá chữa trị, gây nên những cái chết oan uổng. Đất sản xuất không thiếu nhưng cái nghèo, cái đói vẫn đeo đẳng dân làng”. Phải làm gì để thay đổi tình trạng này, đó là trăn trở của Ma Blung. “Để người dân tin tưởng và thay đổi tập tục, mình phải là người làm đầu tiên chứ nói miệng người ta không làm theo đâu. Làm hiệu quả người dân mới thấy và làm theo mình. Cái bụng người đồng bào là vậy mà” Ma Blung nói.
Nghĩ là làm, con cái bị bệnh, ông không mời thầy mo về cúng, không lên rừng tìm cây thuốc về đắp mà đưa thẳng tới trạm y tế xã chữa trị. Bên cạnh đó, ông nhờ cán bộ xã hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây lúa nước, hướng dẫn kỹ thuật trồng mía, sắn và áp dụng trồng đại trà trên diện tích đất bỏ hoang bấy lâu. Năm đó, gia đình ông không chỉ đủ ăn mà có tiền mua sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt trong nhà. Từ sự ngạc nhiên khi thấy con ông khỏi bệnh, rồi đến việc cây sắn, mía cho năng suất cao, người dân trong thôn đã tin tưởng và làm theo ông. Năm 1997, bà con đã bầu ông làm Trưởng thôn Đoàn Kết.
Ông tiếp tục kêu gọi bà con muốn thoát nghèo, muốn giàu thì phải làm theo Đảng, theo Nhà nước. Ông vận động bà con không làm kinh tế theo phương thức lạc hậu mà làm theo khoa học. Mỗi khi huyện tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi ông đều đi dự, sau đó về hướng dẫn lại cho dân. Vận động bà con trồng sắn, mía kết hợp với chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thôn, có trường hợp mâu thuẫn ông tiến hành hòa giải, nhắc các hộ khi bệnh đau nên đến trạm y tế xã để y, bác sĩ khám và chữa trị. Phần đông các gia đình đều nghe ông nhưng cũng có vài hộ không nghe. Thực hiện “mưa dầm thấm lâu”, ông đến nhà trò chuyện, phân tích cặn kẽ lợi hại. Từ năm 1997 đến 2006, với sự tận tụy hết mình vì việc chung, kinh tế của thôn Đoàn Kết đã phát triển rõ rệt, toàn thôn không còn hộ đói, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Ông Ma Blung cho biết: “Điều làm tôi nhớ nhất là khi vận động bà con giao đất cho Nhà nước để làm thủy điện Sông Ba Hạ. Lúc đầu họ không tin, không biết thủy điện là cái gì, có lợi hay hại nên việc vận động vất vả lắm. Nhiều đêm tổ chức họp thôn về chính sách đền bù đất, tiền khi giải tỏa mặt bằng rất căng thẳng nhưng rồi nhờ kiên trì giải thích, đa phần bà con ủng hộ. Bây giờ, nhờ thủy điện mà buôn làng chúng tôi đã khá lên nhiều. Ngoài việc thắp sáng, điện còn hỗ trợ rất nhiều cho việc sản xuất làm ăn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tình hình an ninh chính trị cũng tốt hơn”.
Năm 2006, Ma Blung được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, ngày càng phát huy tốt những việc làm có ích cho cộng đồng. Khi được hỏi về Ma Blung, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Suối Trai Ma Thơ nhận xét: “Đó là một đảng viêntận tụy với công việc, không ngại khó ngại khổ, luôn gần gũi với nhân dân, sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi được phân công và làm có hiệu quả. Xã chúng tôi tự hào khi có một cán bộ dân vận tốt như vậy!”.
HÙNG TÂN