Vượt nạn trong gang tấc, bỏ lại khối tài sản lớn giữa khơi xa, những ngư dân đánh bắt xa bờ của hai tỉnh Phú Yên, Bình Định đã trở về đất liền, mang theo những câu chuyện đẹp về nghĩa tình quân dân trong cơn hoạn nạn.
Lực lượng quân đội giúp dân sắp xếp neo đậu tàu thuyền tránh trú mưa bão - Ảnh: X.HIẾU
NGÀY VỀ BỜ
Buổi sớm ngày giữa đông, cảng biển Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa) nặng trĩu trong màn mưa. Chúng tôi đứng ở Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Cam Ranh, mắt dõi về “cửa ngõ” vào vịnh.
7g30, thượng tá Nguyễn Văn Liêm, Trưởng Ban Quân sự địa phương thuộc Phòng Tham mưu vùng IV Hải quân thông báo: chuyến tàu chở 19 ngư dân gặp nạn ngoài quần đảo Trường Sa đã về đến cảng Cam Ranh.
Do điều kiện sóng gió, chiếc tàu không thể cập bờ cầu cảng, Phó tổng giám đốc phụ trách khai thác cảng vụ Cam Ranh Dương Văn Thành điều ngay chiếc tàu chở anh em bộ đội biên phòng, cán bộ ngành chức năng của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cùng thân nhân của các thuyền viên bị nạn ra cập mạn tàu 51-11-66 để đón các thuyền viên trở về. Phút đoàn tụ giữa người ở đất liền và người từ biển xa trở về diễn ra ngay trên boong tàu, khiến một vùng cảng biển Cam Ranh như òa vỡ trong hạnh phúc.
Những phút mới gặp, chúng tôi không dễ dàng phân biệt những ngư dân bị nạn với lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu 51-11-66. Bởi, hầu hết các thuyền viên bị nạn đều chỉnh chu trong bộ quần áo của chiến sĩ Hải quân và rất khỏe mạnh. Anh Nguyễn Tấn Lợi, Chủ tàu BĐ 96120 TS của Bình Định kể lại: Ngày 5/12, chiếc tàu của anh đang đánh bắt gần khu vực đảo Đá Nam thì bất ngờ bị sóng to hất lên bãi cạn phía đông đảo này. Anh em bơi vào đảo và được lực lượng Hải quân tại đảo đã đưa tàu ra giúp cứu, kéo tàu. Nhưng tàu bị mắc cạn sâu trong bờ, tàu Hải quân không thể tiếp cận được. Sóng mạnh quá, vài giờ sau thì con tàu vỡ toang.
“Những ngày ở đảo, chúng tôi được các chiến sĩ Hải quân cho ăn uống, chăm sóc sức khỏe chu đáo và động viên tinh thần nên tất cả khỏe ra và yên tâm. Tài sản tuy bị mất hết nhưng “người còn, của còn”. Chúng tôi còn sống và trở về rồi sẽ lại khôi phục phương tiện, ngư cụ để tiếp tục ra biển làm ăn”, anh Lợi quả quyết nói.
Tàu Cảng vụ Cam Ranh cập mạn tàu 51-11- 66 đón ngư dân bị nạn vào bờ - Ảnh: P.OANH
VƯỢT NẠN GIỮA BIỂN KHƠI
Đối với anh Phạm Xuân Tránh, chủ tàu tàu cá PY 91219 TS Phú Yên, câu chuyện mình và anh em thuyền viên trên tàu được cứu vớt lên giữa biển đêm gần như là điều kỳ diệu mà theo anh: “Chúng tôi đã vượt qua gian nguy sóng gió bằng bản năng sinh tồn và bằng cả tấm lòng vì dân của những người lính Biên phòng cùng các chiến sĩ Hải quân tàu HQ 734. Nếu không, chúng tôi đã mãi nằm lại giữa biển”.
Lời kể của ngư dân Phạm Xuân Tránh giúp chúng tôi hình dung: Đêm 27/11, tàu PY 91219 của các anh đang thả câu cách đảo Song Tử Tây 30 hải lý thì va vào đá ngầm, thủng một chỗ nhỏ làm nước tràn vào khoang.
Tất cả anh em trên tàu đã dồn sức bơm nước và khắc phục nhưng không được. 10g sáng, anh Tránh mở đàm gọi về trạm kiểm soát biên phòng báo tình trạng của mình. Lúc ấy, Thiếu úy Nguyễn Lê Trúc Thân, Trưởng trạm Biên phòng Đà Rằng đã căn dặn mọi người cố gắng giữ liên lạc và thông báo với nhiều tàu để kêu gọi họ đến giúp đỡ, lai dắt. Nhưng, các phương tiện khác đều ở rất xa, nếu đến tiếp cận phải mất hai ngày đêm.
4g chiều, biển sóng lớn, gió cũng mạnh lên, nước tràn vào khoang tàu nhanh dần. Trạm trưởng Nguyễn Lê Trúc Thân và Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry thay phiên nhau lên máy đàm, liên tục động viên, trấn an anh em trên tàu và cho biết tàu của Trung tâm Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đang tới.
Rồi “Bóng đêm phủ xuống mặt biển đen kịt. Chúng tôi vẫn tát nước và chờ đợi, tay chân lạnh cóng, nỗi sợ hãi tăng dần. Một nửa thân tàu đã chìm. Chợt, từ máy đàm thoại, giọng thiếu úy Nguyễn Lê Trúc Thân gọi: “Anh em gắng giữ bình tĩnh, đã có tàu Hải quân đến cứu”. Mặt biển đen kịt chợt loang loáng luồng sáng, càng lúc rõ dần. Biết tàu cứu nạn đã tới, anh em chúng tôi mừng rỡ, đồng loạt bật sáng các đèn pin ra hiệu cho tàu nhận biết. Bỗng, từ trong bờ lại vọng lên giọng của Trạm trưởng Thân: “Phía trước có bãi đá ngầm, tàu Hải Quân không thể tiến gần đến được!”. Khoảng cách gần 2 hải lý giữa biển đêm, trong sóng gió quần quật như vậy, làm sao bơi tới được tàu cứu nạn mà không bị trôi lạc hướng. Trong lúc chúng tôi lo lắng thì giọng Trạm trưởng Thân lại tiếp “Anh em bình tĩnh, làm đúng theo hướng dẫn của chúng tôi”, ngư dân Phạm Xuân Tránh hồi tưởng lại một cách tỉ mỉ.
Anh kể tiếp: “Chúng tôi cố kiềm giữ nỗi sợ hãi, lấy chùm dây của giàn thẻo câu, cột một đầu dây vào mũi tàu của mình, còn lại bỏ tất cả vào thúng. Hai thuyền viên Linh và Lãi trẻ, khỏe và bơi giỏi nhất đã xuống thúng, dùng mái chèo, lợi dụng dòng chảy và gió, bơi nhanh về hướng chiếc tàu Hải quân đang sáng rực ánh đèn pha. Giàn dây thẻo câu được rải theo dọc. Hơn 30 phút thì anh em tiếp cận được tàu Hải quân. Một đường dây nối hai đầu tàu được thiết lập. Chúng tôi bắt đầu thả thúng, hai người một nhóm, lần lượt xuống thúng. Giữa biển đêm mênh mông, với sức gió cấp 6, cấp 7, chúng tôi đã lần theo đường dây này với quãng đường 4km để đến với con tàu cứu nạn. Nhóm sau cùng lên được tàu Hải quân là lúc Đại úy Đỗ Hồng Anh mở máy đàm thật lớn, gọi về thông báo với Trạm trưởng Nguyễn Lê Trúc Thân đã cứu nạn xong. Chiếc đèn pha của tàu HQ 734 kịp quét sáng một đường về hướng tàu cá của chúng tôi cũng là lúc con tàu chìm mất dạng. Lúc đó là 1g ngày 28/11”.
Câu chuyện do anh Phạm Xuân Tránh kể đã giúp tôi hiểu, vì sao khi con tàu của cảng vụ Cam Ranh chở anh em bộ đội biên phòng cùng các lực lượng chức năng và người nhà vừa cập vào mạn tàu 51-11- 66 để đón những ngư dân bị nạn, ngư dân Phạm Xuân Tránh và các thuyền viên trên tàu cá Phú Yên bị nạn đã ôm chặt lấy thiếu úy Nguyễn Lê Trúc Thân và thượng úy Nguyễn Ngọc Ry của Trạm Biên phòng Đà Rằng trong nghẹn ngào nước mắt.
PHƯƠNG OANH