Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, người dân thôn Hòa Bình, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) đã kiên trì vượt qua mọi lực cản, khai thác tốt tiềm năng vùng đất cao nguyên Vân Hòa để phát triển kinh tế.
Một góc thôn Hòa Bình, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: L.KHA
Thôn Hòa Bình hiện có 165 hộ, với tổng số 563 nhân khẩu, trong đó có gần 14% là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’Roi, Tày, Dao. Trong ngững ngày cuối đông, bên bếp lửa ấm áp, ông Dương Văn Hòa, Trưởng thôn Hòa Bình nói: “Từ khi có chủ trương của Đảng về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó cây mía là trọng tâm, bà con trong thôn xóa bỏ cây môn, đất sản xuất lúa năng suất thấp dưới 30 tạ/ha chuyển sang trồng mía. Cách đây hơn 10 năm, thôn này chỉ có vài chục hecta mía, đến nay đã phát triển lên đến 157ha. Sơn Định thuộc vùng đất cao nguyên Vân Hòa với khí hậu, thổ nhưỡng có lợi thế trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su. Được sự đầu tư của Sở NN-PTNT Phú Yên về trồng cao su tiểu điền, hiện nay thôn Hòa Bình có tổng diện tích cây cao su 24ha, có vài hecta mới thu hoạch với tỉ lệ mủ cao su đạt từ 65-70%. Những lưng đất trống đồi núi trọc, các hộ nông dân trồng keo lai và tai tượng xấp xỉ 70ha. Còn các triền đồi dốc, họ lại trồng sắn với tổng diện tích 169ha, vụ vừa qua năng suất bình quân 30 tấn/ha... Song song với sản xuất trồng trọt, bà con thôn Hòa Bình còn phát triển chăn nuôi bò. Tổng đàn bò hiện có gần 200 con, trong đó bò lai chiếm hơn 50%.
Ông Nguyễn Văn Bồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định cho biết: Hiện nay, thôn Hòa Bình có 18 hộ giàu, 75 hộ khá và 65 hộ trung bình, còn hộ nghèo chỉ có 7, đó là những hộ già cả neo đơn. Nhờ thu nhập từ làm mía, sắn, bà con đã thoát nghèo, tích lũy mua sắm phương tiện vận tải,vật dụng sinh hoạt có giá trị”.
Thôn Hòa Bình hôm nay hiển hiện một bức tranh mới. Dọc tuyến ĐT642 và ĐT643 (thuộc trục miền Tây tỉnh Phú Yên), bà con xây cất nhà cửa khang trang, nhiều cửa hàng buôn bán tạp hóa, quán ăn, giải khát… tạo cảnh quan thị tứ vùng cao. Ông Lê Đức Hán, người dân ở đây tâm sự: “Trong những năm qua, bà con trồng cây khoai môn sáp, nhưng do đất đai không phù hợp, khoai luôn bị sâu bệnh nên thất bại liên tục; trồng lúa thì lệ thuộc vào thiên nhiên, năng suất chỉ xấp xỉ 20 tạ/ha. Từ khi phát triển cây mía, sắn đời sống bà con trong thôn từng bước được cải thiện. Chúng tôi hy vọng trong vài năm tới, khi cây cao su cho mủ thì thôn Hòa Bình lại có một diện mạo mới hơn nữa”.
Ở thôn Hòa Bình, hầu như hộ nào cũng trồng mía, ít là 5-7 sào, nhiều thì 2ha mía, 4ha sắn, 2,6ha cây cao su, chăn nuôi trên 20 con bò như hộ ông Nguyễn Hữu Phước. Hộ ông Nguyễn Đắc Lực trồng cả sắn và mía trên 7ha, mua sắm máy cày, máy tuốt lúa; còn hộ ông Lê Đức Hán trồng sắn, mía trên 5ha và 2ha cây cao su.
Theo ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, năm 2012, xã chỉ đạo thôn Hòa Bình giữ ổn định diện tích mía, sắn và cao su nhưng phải đầu tư thâm canh để tạo năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Để đạt được điều đó, không chỉ bằng nghị quyết lãnh đạo mà còn bằng mọi biện pháp, đẩy nhanh cải tiến quy trình khoa học kỹ thuật trong sản xuất mới tạo được bước đột phá về năng suất cây mía, cây cao su.
LÊ KHA