Thứ Năm, 28/11/2024 20:49 CH
Thay đổi hành vi, đẩy lùi HIV/AIDS
Thứ Năm, 01/12/2011 10:30 SA

Thời gian qua, với sự nỗ lực của những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở, cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ ở Phú Yên đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để “hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

 

Tuyen-truyen-HIV-AIDS-11120.jpg

Tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tại TP Tuy Hòa. - Ảnh: M.NGUYỆT

Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12, Báo Phú Yên đã trao đổi với bác sĩ Lâm Như Phận, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh về vấn đề trên.

 

* Chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Theo bác sĩ, Phú Yên phải làm thế nào để thực hiện được mục tiêu đó?

 

- Với chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015: giảm 50% các ca nhiễm mới do lây truyền HIV từ quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% các ca lây truyền HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy; tất cả người nghiện ma túy nhiễm mới HIV đều được dự phòng đúng.

 

Nội dung chủ yếu là truyền thông, vận động thay đổi hành vi tự phòng tránh lây nhiễm HIV và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

 

Trên cơ sở các thông điệp mà Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đưa ra, Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai Tháng Hành động phòng chống AIDS năm 2011 từ ngày 10/11-10/12 với các nội dung tập trung vào hai nhóm hoạt động. Về các hoạt động xã hội, thứ nhất: phải đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, những người nhiễm HIV có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị. Thứ hai: lồng ghép hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình xã hội ở địa phương và chương trình phòng, chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, mại dâm, đẩy mạnh công tác tư vấn, truyền thông phòng chống HIV/AIDS. Thứ ba: đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong xã hội, đến từng người dân, từng gia đình, nhất là đến thanh thiếu niên và những nhóm người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS như tiêm chích ma túy, mại dâm, tình dục không an toàn… nhằm xây dựng nhận thức đúng về nguy cơ và hiểm họa của dịch HIV/AIDS. Thứ tư: phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bằng trái tim đầy lòng nhân ái hãy dành cho những người nhiễm HIV/AIDS sự cảm thông, sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, động viên họ vươn lên, dũng cảm vượt qua các trở ngại để trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời giúp họ hiểu biết các biện pháp ngăn chặn, phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng. Thứ năm: đồng tâm, hợp lực và cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong toàn tỉnh về phòng, chống HIV/AIDS.

 

Về các hoạt động dịch vụ chuyên môn y tế: Tăng cường công tác truyền thông phòng chống AIDS ở tất cả các địa phương từ tuyến xã, phường, thị trấn đến huyện, thị xã, thành phố và tỉnh, tập trung vào nhóm đối tượng đích và nhóm trẻ tuổi, từ 20-39, từng bước giúp họ hiểu đúng cũng như tác hại của HIV/AIDS.

 

Đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, các tài liệu truyền thông về phòng chống AIDS. Tăng cường công tác giám sát và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, phát hiện sớm người nhiễm HIV/AIDS. Cung cấp các dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị HIV/AIDS ở các cơ sở y tế trong tỉnh đảm bảo yếu tố sẵn có và phục vụ tốt khi đối tượng có nhu cầu.

 

Quan tâm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ về vật chất cũng như tinh thần, đảm bảo cung ứng đủ về thuốc, nhất là thuốc điều trị ARV và thuốc chống nhiễm trùng cơ hội.

 

* Hiện nay, trong cuộc chiến với HIV/AIDS, chúng ta đang gặp phải những khó khăn thách thức nào, thưa bác sĩ?

 

- Hiện nay, với quan điểm là tập trung ưu tiên vào nhóm đối tượng đích, nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS là người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân không dùng bao cao su, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai các hoạt động này tương đối tốt thông qua nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng, với các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại.

 

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng gặp không ít khó khăn do đối tượng khó tiếp cận, chưa có kiến thức cơ bản về HIV, chưa có thói quen sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, tỉ lệ phụ nữ mại dâm sử dụng bao cao su chiếm chưa tới 50%. Ngoài ra, nhân lực ở trung tâm còn hạn chế, nên hoạt động này chỉ được thực hiện trên địa bàn TP Tuy Hòa. Phụ cấp hàng tháng cho nhân viên tiếp cận cộng đồng quá thấp, chỉ 250.000 đồng/người/ tháng nên chưa động viên họ tích cực hoạt động.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek