Người lính già đầu bạc Mai Thế Hào, nguyên chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, nguyên Giám đốc Khu quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên vừa đi xa vào cõi vĩnh hằng.
Di ảnh cụ Mai Thế Hào
Trước lúc đi xa, người đảng viên già 75 tuổi di nguyện nhiều điều với cuộc đời, quê hương, bản quán, đồng chí đồng đội và gia đình. Một trong những di nguyện ấy là dành chút ít lương hưu ít ỏi còn sót lại sau một năm chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo để làm quỹ khuyến học ở quê nhà (xã Nga Giáp huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) và ủy nhiệm cho con trai mang đến Ban công tác xã hội Báo Phú Yên một suất học bổng 500.000 đồng cho một cháu học sinh dân tộc học giỏi vượt khó xã Sông Hinh dưới đỉnh núi Mẹ Bồng Con. Chỉ một suất học bổng của người đi xa nhưng thấm đẫm tình đời, tình người. Một đời lặn lội xây dựng, sửa chữa những con đường khắp mọi miền Tổ quốc trong chiến tranh cũng như trong xây dựng hòa bình, cụ Mai Thế Hào muốn nhắn gởi rằng: vẫn còn nặng nợ với những con đường đi vào lòng dân ở vùng dân tộc ít người. Nơi nào hệ thống đường sá – mạch máu của đất nước – chưa vươn tới được hoặc chưa hoàn chỉnh thì rất khó nói đến sự phát triển.
Trong bức thư chào vĩnh biệt đồng bào đồng chí thôn Giáp Lục và xã Nga Giáp (Nga Sơn – Thanh Hóa) quê nhà, người chiến sĩ cách mạng từ lòng dân ra đi Mai Thế Hào rất tự hào về quê hương. Cũng như nhiều người dân ở một vùng quê nghèo, cụ Hào có một tuổi thơ nhọc nhằn vừa đi học vừa chăn trâu luôn có ý chí tự lập.
Nhờ được học hành ở Trường cao đẳng giao thông, cụ Hào tham gia xây dựng rất nhiều con đường ở những vùng gian khổ của đất nước như đường Gia Phù – Xồm Lồm (nối từ bản Yên đi Mộc Châu), đường Cát – Lục Yên trách ngập cho Thác Bà, đường Thu Cúc – Ba Khe, đường Hòa Bình – Cự Đồng… phát triển vùng chè Mộc Châu, tìm tuyến trách đèo Lũng Lô, khảo sát đường Hà Nội - Phả Lại, Hà Nội - Thái Nguyên - Tuyên Quang, mở rộng đường 12 từ Bến Trũng đi Tà Khống. Cụ còn tham gia xây dựng các sân bay ở miền Bắc, mở rộng đường 10, đường 20, đường 18, đường 3-2, nghiên cứu đường ống, cáp treo để vận chuyển gạo thuốc cho chiến trường B, C trong chiến tranh chống Mỹ.
Nhờ có nhiều công lao, cụ được Đảng và Nhà nước cử đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và sau khi tốt nghiệp tiếp tục tham gia làm đường Hiền Lương – Đông Hà phục vụ chiến dịch giải phóng Huế.
Sau ngày giải phóng, cụ Hào tham gia mở đường Đà Nẵng – Tiên Sa, mở rộng các tuyến đường cho huyện Đại Lộc – Quảng Nam.
Tại Phú Yên, cụ Hào có quá trình công tác lâu nhất ở cương vị giám đốc phân khu quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên (trực thuộc khu quản lý đường bộ 5 Bộ Giao thông Vận tải). Cụ Hào coi Phú Yên là quê hương thứ hai của đời mình. Hai con trai cụ công tác và trưởng thành ở vùng đất này – nơi mà cách đây 25 năm, với cương vị Giám đốc, cụ Hào chỉ đạo thay P27 bằng P43 cho tuyến đường sắt đoạn từ La Hai qua hầm Chí Thạnh vào đến Khánh Hòa và sau đó có hơn 10 năm trực tiếp quản lý đường bộ đoạn Cù Mông – Đèo Cả. Trong nghĩa Đảng tình Dân rộng lớn, cuộc đời cụ Hào có nhiều ân nhân, trong đó có hai ân nhân cụ khắc cốt ghi tâm và di nguyện bằng văn bản cho con cháu 5 đời ghi nhớ và đền ơn đáp nghĩa. Đó là ông Lý Muối (Cựu Muối) – người đã giúp gia đình cụ Hào qua được cơn hoạn nạn của nạn đói năm 1945 và ông Khang – người giúp cụ Hào trong những năm tháng ngặt nghèo từ Thanh Hóa ra Hà Nội tìm việc làm và đi học.
Trong rất nhiều huân huy chương cao quý được Đảng và Nhà nước phong tặng, cụ Mai Thế Hào di nguyện con cháu đặt trên bàn thờ Huy hiệu chiến sĩ Trường Sơn trong đó có mấy lời của cụ dặn dò con cháu tránh xa ma túy hút xách, say xỉn, cờ bạc… Theo cụ, một thời chiến tranh bom đạn ác liệt, sốt rét rừng, nhịn đói nhịn khát… không quật ngã được người chiến sĩ nhưng những tệ nạn thời bình dễ dàng quật ngã con người.
Những người làm công tác xã hội của Báo Phú Yên tiếp nhận rất nhiều tấm lòng đến với những mảnh đời còn nhiều khó khăn, bất hạnh. Trong những tấm lòng ấy, ngời lên tấm lòng của những người đã đi xa như lão đồng chí Trình Nhe (di nguyện dành toàn bộ tiền phúng điếu 70 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho bà con nghèo), cụ Bùi Phương (di nguyện con cháu lập quỹ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học của phường) và lần này là suất học bổng đầy tình nghĩa của cụ Mai Thế Hào – một con người suốt đời gắn bó với mạch máu giao thông đất nước. Học bổng tình nghĩa này được trao cho cháu H’Ngọc – Trường tiểu học xã Sông Hinh trong mùa Trung thu 2006.
PHAN THANH