Đêm hôm qua (29/10), sau khi đổ bộ vào đảo Luzông(Philippin) bão Cimaron đã suy yếu đi một ít. Hồi 1 giờ sáng nay (30/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 121,3 độ kinh đông ngay trên đảo Luzông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 15.
Ảnh mây vệ tinh về cơn bão Cimaron chụp hồi 8g sáng nay, 30-10 - Ảnh: TTDBKTTVQG |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Như vậy, sáng và trưa nay bão sẽ đi vào Biển Đông. Trong 24 đến 48 giờ tới bão có nhiều khả năng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía đông biển Đông từ sáng nay (30/10) gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 9 - 10; sau tăng lên cấp 11 - 12, vùng gần tâm bão cấp 13 - 14, giật trên cấp 14. Biển động dữ dội. Đây là một cơn bão mạnh và khả năng rất lớn là sẽ ảnh hưởng đến miền Trung. Nguyên nhân là vì từ 31/10 sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường ở đông nam Trung Quốc và miền Bắc nước ta, trên cao là lưỡi áp cao cận nhiệt đới khống chế với trục sống cao có hướng từ đông sang tây. Cơn bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây, hoặc hơi lệch xuống giữa tây và tây tây nam, tiến về miền Trung. Như vậy, các vùng biển gần Philippines bắt đầu có thời tiết xấu và sóng to gió lớn, rất nguy hiểm cho tàu thuyền trên vùng biển này.
Cimaron đạt cấp siêu bão Lúc 21 giờ đêm 29.10, mạng JTWC của Hải quân Mỹ đã tăng cấp Cimaron lên hàng Super Typhoon (siêu bão). Mắt bão qua ảnh vệ tinh nhìn rất rõ, đen tròn và to. Đồng thời, thông báo số 11 của JTWC cho biết, đến 13 giờ ngày 1.11, bão bắt đầu gây ảnh hưởng trên đất liền nước ta. Vào lúc 13 giờ thứ năm 2.11, bão chính thức đổ bộ vào miền Trung. Theo mạng dự báo TSR của Anh, vị trí bão đổ bộ ở VN có thể là tỉnh Quảng Ngãi. Theo tiến sĩ Trần Tiễn Khanh, sở dĩ khi vào VN bão có phần suy yếu do gặp phải khối gió mùa đông bắc. Ngược lại, nếu khối gió này suy yếu thì bão sẽ mạnh lên và vị trí đổ bộ sẽ dịch chuyển lên Quảng Nam - Đà Nẵng. |
Từ ngày 30/10, toàn bộ biển Đông gió sẽ mạnh dần lên. Ngoài ra, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 8 - 11 độ vĩ bắc nối với một vùng áp thấp có tâm ở vào khoảng 11 độ vĩ bắc - 113 độ kinh đông. Các tỉnh miền Nam chịu ảnh hưởng kết hợp của rìa phía bắc của rãnh áp thấp đi qua vùng áp thấp ở khu vực Trường Sa, nối với tâm bão Cimaron, do vậy thời tiết Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều mây, có mưa rào và giông, tập trung vào chiều tối và đêm. Các tỉnh ven biển ở ĐBSCL, ven sông Tiền, sông Hậu sẽ có mưa nhiều hơn. Hiện nay, do có vùng xoáy thấp hoạt động ở khu vực nam biển Đông, đồng thời phần đuôi của một cơn bão mạnh làm cho gió sẽ mạnh kèm theo giông, gió giật và mưa to. Vì vậy, tàu thuyền không nên ra khơi và không đi về phía đông, đông bắc.
Trong 2 ngày tới, bão Cimaron chưa ảnh hưởng gì đến thời tiết đất liền, nhưng hoạt động của nó sẽ làm cho thời tiết trên biển chuyển xấu, mưa, giông và gió mạnh, biển động. Cơn bão này dự kiến sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh ven biển miền Trung từ ngày 1.11, kết hợp với không khí lạnh tăng cường ở phía bắc, đây là dạng hình thế thời tiết gây mưa bão, lũ lụt cho các tỉnh miền Trung.
Theo TT DBKTTVQG và Thanh Niên