UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015, giao Sở LĐ-TB-XH triển khai với kinh phí 17,5 tỉ đồng. Trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên chung quanh vấn đề này, bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết:
Bà Phạm Thị Tương Lai - Ảnh: T.THẢO
Trong thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do sự tác động về kinh tế - xã hội, song ngành LĐ-TB-XH vẫn tập trung huy động nhiều nguồn lực ưu tiên chăm lo cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2004-2010, ngành đều thực hiện đạt kế hoạch. Một số chỉ tiêu đạt cao là phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, huy động Quỹ bảo trợ trẻ em…
* Những mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 là gì, thưa bà?
- Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn này gồm 5 dự án: truyền thông giáo dục, vận động xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng và nâng cao hiệu quả quản lý về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Mục tiêu đến năm 2015, tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn toàn tỉnh giảm còn 5%/tổng số trẻ em, bình quân mỗi năm giảm 1%; có 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để loại bỏ nguy cơ này; 50% huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đồng thời, huy động quỹ bảo trợ từ 2-3 tỉ đồng mỗi năm. Đặc biệt, đến năm 2015, 100% xã, phường sẽ đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em, giảm đến mức thấp nhất hoặc không xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục.
Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ xây dựng các văn phòng công tác xã hội trẻ em ở các huyện để trợ giúp kịp thời cho những trường hợp khẩn cấp; tăng cường nâng cao nhận thức cho các đối tượng từ lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể đến cộng đồng dân cư và trẻ em là mục tiêu hàng đầu cần chú ý.
Trẻ em khuyết tật được khám sàng lọc định kỳ từ các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Sở LĐ-TB-XH Phú Yên - Ảnh: T.THẢO
* Những khó khăn trong công tác trẻ em thời gian đến là gì?
- Ở cấp huyện và cấp xã, hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, phương tiện, nhân sự. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã chưa sắp xếp ổn định, còn tại các thôn, buôn không có cộng tác viên nên rất khó hoạt động. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp cũng chưa đồng bộ, ngân sách ở cấp huyện và cấp xã chưa có mục chi cho công tác trẻ em. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được thường xuyên, còn khoán trắng cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, không ít cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa thật sự coi sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ quan trọng của cấp mình. Đặc biệt, cần chú trọng giáo dục cho trẻ em kỹ năng biết tự bảo vệ mình, tránh xa các nguy cơ bị lợi dụng về lao động, bị xâm hại, biết tự phòng chống tai nạn thương tích.
Do đó, để trẻ em được bảo vệ an toàn về mọi mặt, vấn đề đặt ra trong những năm tới là tỉnh phải tập trung giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ bị xâm hại, tạo môi trường an toàn cho trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Muốn vậy, ngành LĐ-TB-XH rất cần sự đóng góp của cả cộng đồng và mở rộng quy mô, tăng đối tượng nhóm trẻ được hỗ trợ từ các chương trình trẻ em. Chương trình này cũng sẽ kết nối đường dây tham vấn, tư vấn qua điện thoại và mạng internet từ Trung tâm Công tác xã hội về các vấn đề về trẻ em cho tổ chức, cá nhân và gia đình trẻ có nhu cầu.
* Xin cảm ơn bà!
THÙY THẢO