Ấn tượng ban đầu khi tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh Trang, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh là nụ cười phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng dễ gây thiện cảm với người đối diện. Chị Trang tham gia vào ngành dân số huyện Sông Hinh đã 17 năm. Chừng ấy thời gian đủ để chị mô tả cho tôi hiểu về những khó khăn trong công tác dân số mà huyện gặp phải.
Chị Trang (góc trái) đang tư vấn về sức khỏe sinh sản cho người dân - Ảnh: T.L
Sông Hinh là huyện miền núi với nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Toàn huyện có 10 xã, một thị trấn thì có đến 7 xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Là huyện có tiềm năng về phát triển kinh tế, mật độ dân số còn thấp nên những năm qua Sông Hinh luôn là địa phương có biến động dân số phức tạp. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và lao động thủ công nên ước muốn có đông con vẫn còn tồn tại; phụ nữ dân tộc đa phần lấy chồng sớm, nhiều em làm mẹ khi đang còn tuổi thơ; quan điểm đẻ con cái dự phòng vẫn chưa thể xóa được.
Năm 2006, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen Vì sự nghiệp dân số. Năm 2010, đơn vị này đứng đầu khối thi đua văn xã huyện Sông Hinh. Riêng chị Trang được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen vì công tác dân số; đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua liên tục từ 2003 đến nay.
Chị Trang nói: “Với người dân tộc thiểu số, ngoài già làng là người quan trọng thì các trưởng thôn, buôn cũng sẽ được vận động cùng với ban dân số các xã tham gia vào công tác DS-KHHGĐ. Với người làm công tác dân số, công việc quan trọng là truyền thông trực tiếp. Ở những địa bàn có tỉ lệ sinh con thứ 3 cao, chúng tôi vận động các thôn, buôn lồng ghép nội dung DS-KHHGĐ vào hương ước. Chúng tôi phối hợp với Đài truyền thanh - truyền hình huyện xây dựng chuyên mục dân số và phát triển, thực hiện phóng sự nâng cao vai trò của già làng trong công tác dân số”.
Ở vị trí là một người lãnh đạo công tác dân số huyện, chị Trang luôn trăn trở với vấn đề sinh con thứ 3. Niềm hy vọng vào một thế hệ trẻ em hoàn hảo từ trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra và trưởng thành không bị dị tật, suy dinh dưỡng và phát triển khỏe mạnh là động lực giúp chị cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với những cộng tác viên (CTV) dân số (được phụ cấp 80.000 đồng/tháng), chị lên kế hoạch thưởng thêm khi họ hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ truyền thông từ các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản để động viên tinh thần. Sự ủng hộ về mặt tinh thần của người quản lý như chị là điều quan trọng, cổ vũ đội ngũ CTV làm việc tích cực. Trên địa bàn huyện Sông Hinh có 77% các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, 56/140 địa bàn đạt từ 2-7 năm liền không sinh con thứ 3 trở lên, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa dưới 50%... là những kết quả rất thuyết phục, trong đó có sự đóng góp đáng kể của chị Trang và đội ngũ chuyên trách dân số, CTV dân số của huyện.
Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: “Chị Trang là cử nhân chuyên ngành hộ sinh, lại công tác trong ngành dân số khá lâu nên rất am hiểu về lĩnh vực này. Cùng với sự nhiệt huyết với nghề, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác dân số của một huyện gặp nhiều khó khăn nhất”.
TUYẾT TRẦN