Thứ Sáu, 04/10/2024 02:30 SA
Giúp học sinh khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Thứ Tư, 12/10/2011 11:00 SA

Hiện trẻ em khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ hầu như không có những kiến thức về chăm sóc, và tự bảo vệ mình cũng như những kỹ năng sống để dễ dàng hòa nhập với cộng đồng và các bạn học cùng lớp. Do đó, rèn luyện nâng cao kỹ năng sống cho các em là những mục tiêu mà ngành chức năng đang quan tâm.

 

trao-doi111012.jpg

Học sinh Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung tham gia nhóm tình nguyện giúp đỡ các bạn khuyết tật đang sinh hoạt. - Ảnh: T.THẢO

HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG, NHIỀU CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

 

Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh vừa phối hợp với các trường trên địa bàn tỉnh tổ chức truyền thông Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và nâng cao kỹ năng sống cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trong các trường học. Việc làm này được các trường học tiếp nhận và tạo điều kiện cho các em tham gia một cách tích cực.

 

Trẻ em có hoàn cảnh khuyết tật, chậm phát triển thường sinh ra trong những gia đình khó khăn nên việc học của các em ít được gia đình chú ý, còn nếu được đi học thì hay bị các bạn khác trêu chọc. Đây là điều thiệt thòi và vô cùng nguy hiểm, bởi khi gặp những tình huống bất thường, các em sẽ không biết xử lý như thế nào và không thể có những phản ứng tự bảo vệ mình. Do đó, trang bị cho trẻ em khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ những kỹ năng sống là rất cần thiết.

 

Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung Lê Thị Hưởng: “Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để trẻ khuyết tật trên địa bàn được đến trường, học tập, vui chơi với những bạn đồng lứa, dần hình thành kỹ năng hòa nhập. Ngoài việc miễn các khoản đóng góp hàng năm thì những chương trình truyền thông như thế này hỗ trợ rất nhiều cho những em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ và sinh hoạt. Đặc biệt, việc trẻ khuyết tật được đến trường còn giảm được một phần gánh nặng cho các gia đình, nhất là những gia đình còn gặp nhiều khó khăn”.

Tại các lớp truyền thông, các em được truyền đạt, hướng dẫn những kỹ năng tự chăm sóc bản thân, biết quan tâm, gây thiện cảm với mọi người, tự ý thức và kỹ năng tự học ứng xử khi giao tiếp. Đặc biệt, các em học sinh bình thường sẽ biết yêu thương các bạn học sinh khuyết tật, giúp đỡ bạn trong học tập và bảo vệ bạn trước những nguy hiểm, biết địa chỉ đường dây nóng để gọi giúp đỡ khẩn cấp khi không có người lớn… Sau khi được truyền thông, các em sẽ mạnh dạn, tự tin hơn vào chính bản thân mình. Mỗi trường đã thành lập nhóm học sinh giúp đỡ các bạn khuyết tật, thiểu năng trí tuệ để kịp thời nắm bắt những nguyện vọng học tập, được hỗ trợ, tư vấn nhu cầu cho các bạn.

 

Nguyễn Thị Mỹ Đào, học sinh lớp 5D, Trường tiểu học số 1, Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) chia sẻ: “Lớp em có hai bạn khuyết tật, nhiều bạn rất hay trêu chọc. Chương trình truyền thông này đã giúp chúng em hiểu hơn về các bạn bị khuyết tật. Chúng em sẽ cùng nhau giúp đỡ các bạn ấy”. Nguyễn Minh Hoàng, lớp 4C, Trường tiểu học Lê Thánh Tôn (TP Tuy Hòa), cho biết: “Tham gia lớp truyền thông này, em biết nhiều kỹ năng sống như: tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn yếu hơn mình. Do đó, em đã tình nguyện tham gia vào nhóm các bạn bảo vệ những bạn khuyết tật”.

 

Theo cô Lê Thị Hưởng, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung, những trẻ em bị thiểu năng trí tuệ, nhìn bề ngoài trông các em rất bình thường, nhưng việc tiếp thu bài giảng thì lại rất khó khăn, khó nhớ các kiến thức được học. Nhà trường luôn chú trọng việc giúp các em có số phận không may mắn tự tin hòa nhập với bạn bè, cùng tham gia tất cả các hoạt động của lớp. “Điều quan trọng là làm sao giúp các em quên đi mặc cảm, tự tin hơn vào bản thân mình”, cô Hưởng cho biết.

 

CÁCH TRUYỀN THÔNG HIỆU QUẢ

 

Lâu nay, công tác truyền thông chủ yếu chú trọng nhiều tác động đến gia đình các em, từ đó gia đình có những biện pháp giúp con em mình được hưởng đầy đủ các quyền lợi. Nhưng sự thật giúp trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ sống tốt thì cần phải tác động ngay chính bản thân các em. Chương trình truyền thông nâng cao kỹ năng sống thông qua các chương trình truyền thông đã phát huy và đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Một phụ huynh có con khuyết tật cho biết: “Khi tác động trực tiếp, các em sẽ tự nâng cao ý thức cho bản thân mình, mạnh dạn hòa đồng với các bạn trong lớp. Chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ vật chất thì công tác truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho các em là rất quan trọng”. Nguyễn Huỳnh Phục Thiện, lớp 4C, Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung, tâm sự: “Trước đây, vì chưa hiểu bệnh của các bạn ấy nên có lúc tụi em ngại tiếp xúc. Từ khi được tham gia lớp kỹ năng sống này, em thông cảm, gần gũi các bạn ấy hơn. Ngoài chỉ bài, em còn sẵn sàng bảo vệ bạn nếu có ai đó bắt nạt”.

 

Văn Tấn King (lớp 2, Trường tiểu học số 1, Hòa Hiệp Trung) bị liệt đôi chân, kể: Được nghe giảng về các quyền của trẻ em khuyết tật, nhiều bạn đã tham gia nhóm tình nguyện giúp trẻ em khuyết tật ngay tại trường. Em rất vui, tự tin hơn mỗi khi đến trường. “Những chương trình thế này là cầu nối giữa xã hội, cộng đồng và nhà trường với trẻ em, giúp các em hiểu hơn về quyền, nghĩa vụ của trẻ đối với gia đình và trường học. Các em hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của những bạn không may mắn, biết bảo vệ mình khi có những điều bất trắc xảy ra ngoài ý muốn hoặc khi không có người lớn giúp đỡ. Chúng tôi sẽ duy trì chương trình này luân phiên qua các năm, nhất là vào các tháng cao điểm hành động vì trẻ em” - bà Trần Thị Như Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên cho biết.

  

THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek