Mấy chục năm nay, từ vùng đất Vân Canh (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), họ chọn La Hai (huyện Đồng Xuân) là nơi đến để mưu sinh bằng cách buôn gánh bán bưng. Mang đặc sản của hai vùng đất để trao đổi cho nhau, họ làm phong phú thêm sản phẩm tiêu dùng. Từ nghề này, họ đã cải thiện cuộc sống gia đình và giúp con cái học hành thành đạt.
Bà Hai Đệ gom mớ rễ để chuẩn bị đem về Bình Định - Ảnh: T.THỦY
GIAO LƯU ĐẶC SẢN
Ngày nắng cũng như mưa, những “thân cò” luôn gắn bó với công việc của mình. Chừng 14g, dù trời đang mưa lớn song bà Hai Đệ (62 tuổi) vẫn loay hoay với mớ rễ cây khô (loại rễ mà những người ăn trầu cho rằng nếu không có nó thì mất ngon, thiếu đi vị đặc trưng - PV) được những người làm nông ở La Hai lấy trên rừng về phơi khô, bán lại cho thương lái. Bà Đệ nói: “Thứ rễ này đem về quê tôi bán rất chạy vì ở đó có nhiều người thích ăn trầu. Đây là một trong những đặc sản có từ xa xưa ở La Hai nói riêng và Đồng Xuân nói chung. Hơn 30 năm qua, tôi và mấy chị em khác thường mang thứ rễ cây này về bỏ sỉ tại chợ Diêu Trì ở tỉnh Bình Định”.
Vừa bó gọn mớ rễ cây, bà Hai Đệ vừa kể cho chúng tôi về công việc buôn gánh bán bưng. Bà cho biết, trước kia ở quê, bà cũng buôn bán bắp, khoai củ tại chợ Vân Canh nhưng chỉ kiếm được ít tiền lời, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Thấy có người hay đi La Hai buôn bán nhiều sản phẩm địa phương có thu nhập ổn định, bà bèn xin theo. Hồi thời bao cấp, những thứ mà bà và các chị em khác đem đến La Hai là bắp khô, nhang, khoai lang, su sú và mang về lại chợ quê mình các loại: vải, chén đất, rễ cây… Thời gian sau, họ chuyển sang kinh doanh những thứ khác, cũng từ quê mình như bún, nón, bánh in, rồi mua từ La Hai măng, trái ư, trái xay, thanh long hoặc dịp tết đến thì mua bán chuối.
Ở chợ La Hai bây giờ còn bốn người thường xuyên có mặt để làm công việc trao đổi hàng hóa. Bà Hai Đệ chọn cách riêng của mình là mua bán theo kiểu bỏ sỉ đi về hàng chuyến. Còn các bà Mận, Quê, Huệ chọn cách ngồi bán lẻ tại chợ La Hai và gom hàng về bỏ sỉ chợ Diêu Trì. Với những việc ấy, họ đi lại thường xuyên, chỉ trừ những ngày gia đình họ phải cắt lúa hoặc nhà có đám giỗ, lễ, tiệc.
Đến chợ La Hai, hỏi các gian hàng Bình Định thì ai cũng biết. Hôm trước có người đem các thứ cốm, bánh in, bún khô từ La Hai vô Tuy Hòa và nói rằng đây là đặc sản Bình Định, người nhận quà cũng không bất ngờ vì đã biết các đặc sản ấy luôn có ở chợ quê mình. Vì họ lấy hàng tận gốc nên khi bán lẻ, giá cũng “mềm” hơn so với người địa phương lấy hàng bán lại.
Gian hàng của những chủ nhân người Bình Định tại chợ La Hai - Ảnh: T.THỦY
THÍCH GẮN BÓ VỚI NGHỀ
Bà Năm Dần đã gần 90 tuổi nhưng cũng chỉ chịu nghỉ nghề buôn gánh bán bưng theo tuyến Vân Canh - La Hai hơn 3 năm nay. Còn bà Tám Nhương cùng lứa tuổi với bà Dần thì đã mất, nhưng nhắc đến bà, phần lớn người dân La Hai đều biết về người phụ nữ tần tảo nắng mưa xuôi ngược trên từng chuyến tàu, chuyến xe mang đặc sản vùng miền.
Lợi nhuận của họ tùy thuộc vào mỗi chuyến đi và mỗi loại sản phẩm mua bán. Với họ, chợ cũng là nhà. Ở chợ La Hai, sau buổi buôn bán tất bật, họ thường tập trung nấu ăn chung. Nghĩ đến tình làng, nghĩa xóm, nghĩ đến “thân cò” lặn lội xứ người nên họ thường động viên, chia sẻ nhau những lúc đau ốm, buồn phiền. Đêm đến, họ dọn gọn gánh hàng để cho mình một chỗ nằm vừa đủ. Cơn lũ tháng 11/2009, nhiều tiểu thương ở chợ La Hai bị mất trắng hàng hóa, những người phụ nữ này cũng bị thiệt hại nhiều hàng.
Các chị Quê, Huệ đi buôn chuyến Vân Canh - La Hai từ nhỏ. Gắn bó lâu với chợ này, họ rất thành thạo khi mua bán các sản phẩm theo mùa. Còn bà Mận, 68 tuổi, có hơn 30 năm buôn bán tại chợ La Hai, nói: “Làm công việc này tuy cực nhưng so với những người già không lương hưu khác, tôi chủ động kiếm tiền và đây cũng là nghề mà đồng vốn bỏ ra không lớn, thu nhập lại ổn định. Tôi chủ yếu bán loại hàng khô nên cũng ít sợ bị hư”. Với gian hàng bán chanh tiêu, ớt, tỏi và những đặc sản đến từ Bình Định ở chợ La Hai, 5-10 ngày bà Mận về quê một lần. Bà Mận cho biết, mấy năm gần đây, việc về nhà đối với những người buôn bán như bà thưa dần vì khi hết hàng, chỉ cần gọi điện thoại là họ có hàng ngay. Với bà Huệ, 54 tuổi, thì La Hai như quê hương của bà. Từ khi 15 tuổi, bà Huệ đã đi buôn kiểu này. 20 năm đầu, bà mua đường, me về bán lại ở chợ Diêu Trì và các quán, còn 10 năm sau, kể từ khi chợ La Hai được xây mới, bà bán cố định ở quầy chanh ớt, tỏi…
Cả bà Hai Đệ, bà Mận đều cho rằng, cũng nhờ vất vả mưu sinh mà họ lo được cho cuộc sống gia đình. Các con của họ giờ đã thành đạt nhưng họ vẫn muốn tiếp tục theo nghề này.
VŨ HOÀNG