Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 13 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ vĩ Bắc; 111,3 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 500km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (từ 118-149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Vị trí và đường đi của cơn bão số 5 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 13 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ vĩ Bắc; 106,8 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (từ 89-117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 01/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ vĩ Bắc; 103,5 độ kinh Đông trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) đêm nay còn có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Ngoài ra do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh mạnh ở phía Bắc nên ngay từ đêm nay (29/9) vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 4 mét.
Từ ngày mai (30/9) ở các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Trước diễn biến của thiên tai trong những ngày qua, sáng 29/9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp ứng phó với tình hình lũ lụt đang xảy ra nghiêm trọng.
Công điện khẩn của Thủ tướng chỉ đạo ứng phó với tình hình lũ lụt đã được gửi tới 8 địa phương gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương này cần triển khai rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch, các khu vực ngập lụt để chủ động sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, đảm bảo an toàn tính mạng.
Huy động lực lượng tranh thủ thu hoạch các trà lúa đã chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thiệt hại; chủ động cho học sinh tại các vùng ngập sâu nghỉ học, tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung và có phương án đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, kiểm tra các tuyến bờ bao, đê bao, chủ động tạm ứng ngân sách, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung bảo vệ các tuyến đê trọng điểm; sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ.
Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại qua các khu vực bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết để đảm bảo an toàn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn và khu vực huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp với lực lượng của địa phương thu hoạch lúa, hoa màu, gia cố bờ bao, đê bao, thực hiện việc sơ tán dân theo yêu cầu của địa phương.
Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng của lũ chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện gia cố bờ bao, đê bao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với lũ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách.
BTV (Theo nchmf.gov.vn, chinhphu.vn)