Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn, từ nay đến cuối năm thời tiết còn diễn biến phức tạp. Có ít nhất một cơn bão mạnh nữa sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung, trong đó có Phú Yên. Lực lượng vũ trang (LVVT) tỉnh đã chuẩn bị ứng phó với bão lụt như thế nào? Đại tá Nguyễn Đình Triết, Phó chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết:
Lực lượng cứu hộ cứu nạn của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh sẵn sàng các phương án ứng cứu tại khu vực sông Đà Rằng trong cơn bão số 6 - Ảnh: Tôn Thất Tường |
Dự báo thời tiết cuối năm nay sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Phú Yên là một trong những tỉnh có khả năng bão sẽ đổ bộ vào. Một số vùng dễ và mau xảy ra ngập lụt nhất là phía tây TP Tuy Hòa, phía bắc huyện Phú Hoà và một số vùng khác ở các huỵên Sơn Hoà, Tuy An, Sông Cầu, Đông Hoà…. Đặc biệt, những vùng ven biển như An Hải, An Ninh Đông, An Chấn (Tuy An), Xuân Hải, Xuân Hoà, Xuân Thịnh (Sông Cầu)…rất dễ bị triều cường đe doạ. Vì vậy công việc phòng tránh là hết sức quan trọng.
* LLVT tỉnh đã chuẩn bị để chủ động ứng phó với bão lụt như thế nào, thưa đại tá?
- Để ứng phó với bão lụt, hàng năm LLVT tỉnh đều tổ chức tập huấn, diễn tập phương án tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (CHCN), như tập lái các phương tiện tàu thuyền, cách sử dụng áo bơi, phao cứu sinh và diễn tập cứu người, di dời tài sản… Chính nhờ làm tốt công tác này mà năm 2004 hàng chục công nhân xây dựng cầu Đà Rằng (mới) được ứng cứu kịp thời khi lũ bất ngờ dâng cao trong đêm. Mới đây, LLVT tỉnh cũng đã phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức tập huấn cho lực lượng cơ động tại Bộ chỉ huy trên sông Đà Rằng và cho các đơn vị, cơ quan quân sự huyện, thành phố. Bên cạnh đó, LLVT tỉnh thường xuyên theo sát diễn biến của thời tiết để chủ động di dời dân những vùng nguy hiểm. Ngoài bộ đội chủ lực ở các đơn vị T5, H02… Bộ chỉ huy và cơ quan quân sự các địa phương huy động tối đa lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm ứng phó kịp thời khi bão lụt xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Trong tình huống lực lượng tại chỗ không đủ năng lực, Quân khu 5, Vùng 4 Hải quân sẽ điều lực lượng cùng tham gia.
Về cơ sở vật chất, trước khi mùa mưa bão đến, Bộ chỉ huy đã cho kiểm tra, sửa chữa lại toàn bộ các phương tiện tham gia CHCN trong LLVT và chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu đảm bảo cho các phương tiện hoạt động. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, các phương tiện và lực lượng cứu hộ được bố trí trước ở những điểm thuận lợi, gần với những vùng được xác định là trọng điểm, dễ cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Thông tin liên lạc trong khi lụt bão xảy ra là hết sức quan trọng. Vì vậy, ngoài mạng thông tin liên lạc hữu tuyến qua bưu điện, chúng tôi còn sử dụng hệ thống vô tuyến điện từ tỉnh đến các huyện vùng trọng điểm sạt lở, triều cường cần ứng cứu. Đồng thời, sử dụng mọi phương tiện thông tin hiệp đồng khác, bảo đảm phục vụ kịp thời cho lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trong mọi tình huống khẩn cấp.
Vào thời điểm những tháng cuối cùng của năm còn nhiều việc cần làm ráo riết, trong đó giúp dân phòng tránh lụt bão và sẵn sàng ứng phó, tìm kiếm CHCN là một trong những nhiệm vụ được Bộ CHQS tỉnh quan tâm hàng đầu. Và có thể nói, không phải đến nay mà trước khi bão số 6 xảy ra LLVT tỉnh đã sẵn sàng vào cuộc với bão lụt.
* LLVT tỉnh đã có những phương án như thế nào cho công tác khắc phục hậu quả nếu có bão lụt xảy ra?
- Công tác triển khai phòng ngừa được đặt lên hàng đầu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và khắc phục kịp thời trong mọi tình huống. Lực lượng huy động nhanh gồm 2 đại đội và các phương tiện sẵn sàng có mặt ở những nơi bị thiệt hại nặng do bão lụt gây ra để giúp dân khắc phục nhanh hậu quả. Riêng Phòng Hậu cần, Bệnh xá quân đội sẵn sàng điều động các y, bác sỹ và chuẩn bị một số cơ số thuốc, thực phẩm cần thiết để cấp phát cho dân. Lực lượng này sẽ tham gia tẩy rửa giếng nước, làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão.
* Cám ơn đại tá!
XUÂN HIẾU (thực hiện)