Thứ Tư, 27/11/2024 21:33 CH
“Hỏng chân” công tác chăm sóc trẻ em
Thứ Sáu, 26/08/2011 11:00 SA

Từ khi Ủy ban Dân số gia đình và Trẻ em (DSGĐ&TE) giải thể và được chuyển giao chức năng, tổ chức, biên chế cho ngành LĐ-TB-XH, Y tế, VH-TT-DL theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 8/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, thực tế đã nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại các địa phương trong tỉnh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động vì trẻ em và những công tác liên quan đến trẻ em, đòi hỏi phải có tổ chức bộ máy, cán bộ bán chuyên trách làm công tác trẻ em các xã. Đặc biệt là ở cơ sở, cần phải xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em ở thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, công tác này dường như đang bị bỏ ngỏ, cộng tác viên làm công tác trẻ em hiện không được hưởng chế độ phụ cấp của ngành LĐ-TB-XH.

laodong110826.jpg

Trẻ em làm việc tại Khu sản xuất gạch ngói ở huyện Đông Hòa - Ảnh: T.HỘI

CHỒNG CHÉO CÔNG VIỆC CẤP XÃ

Đối với công tác trẻ em hiện nay, cán bộ bán chuyên trách dân số, gia đình, trẻ em (DSGĐTE) cấp xã đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và tâm huyết. Cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và kỹ năng chăm sóc trẻ cho người nuôi dưỡng trẻ; phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bạo lực, trẻ em lang thang, phải lao động nặng nhọc và trong điều kiện nguy hiểm; trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Công việc nhiều là thế, nhưng hiện mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh chỉ có một cán bộ bán chuyên trách làm cả 3 mảng: dân số, gia đình, trẻ em và phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ba cơ quan (Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Phòng Văn hóa - Thông tin và Phòng LĐ-TB-XH). Thực trạng này đã gây khó khăn và tạo sức ép công việc cho cán bộ DSGĐTE ở các xã.

Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, cán bộ bán chuyên trách DSGĐTE xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) cho biết: “Công việc của chúng tôi quá tải bởi sự chỉ đạo trực tiếp của ba cơ quan cấp trên. Chẳng hạn như có khi chúng tôi phải hoàn thành một lúc các báo cáo về 3 mảng dân số, gia đình và trẻ em hoặc phải triển khai thực hiện nhiều chương trình, chiến dịch trong cùng thời gian, do đó làm giảm hiệu quả công việc”.

Hiện nay, thu nhập của mỗi cán bộ DSGĐTE cấp xã chỉ 747.000 đồng/tháng (0,9% mức lương tối thiểu). Theo phản ánh của nhiều cán bộ DSGĐTE, lâu nay họ đã nhiều lần kiến nghị cấp trên tăng lương, phụ cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

CƠ SỞ BỊ “HỎNG CHÂN”

Theo ông Trương Minh Tri, cán bộ phụ trách công tác trẻ em của Phòng LĐ-TB-XH huyện Đông Hòa, sau khi sáp nhập công tác trẻ em về đơn vị, công tác bảo vệ trẻ em ngày càng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. “Đối với mạng lưới cộng tác viên, ngành không còn trực tiếp tổ chức xây dựng và chi trả chế độ cho họ nên không thể quản lý và phân công nhiệm vụ được. Do không có mạng lưới cộng tác viên nên công tác trẻ em dường như “hỏng chân” từ cơ sở, ông Tri khẳng định. Ông Tri cũng thừa nhận, từ thực tế bất cập này dẫn đến công tác thông tin nắm tình hình trẻ em từ cơ sở không được sâu sát, việc thực hiện công tác điều tra không được đồng bộ, thuận lợi... dẫn đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, kế hoạch từ cấp trên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang gặp rất nhiều khó khăn.

Với đặc thù công việc là “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ cộng tác viên dân số gia đình trẻ em là những người trực tiếp và tham gia nhiều nhất vào các hoạt động điều tra, nắm tình hình về công tác dân số, gia đình và trẻ em. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp đối với lực lượng này không khuyến khích và đảm bảo công việc lâu dài. Mức phụ cấp “khiêm tốn” mà họ nhận hàng tháng là 80.000 đồng, nhưng đó là phụ cấp của ngành Dân số- Kế hoạch hóa gia đình và chế độ hỗ trợ của UBND tỉnh, còn ngành LĐ-TB-XH không chi trả cho họ khoản lương hoặc phụ cấp nào cho công tác trẻ em mà họ phải làm. Chị Phan Thị Giao, cộng tác viên dân số gia đình trẻ em thôn Phước Thành Đông, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) cho biết: “Dù biết làm công tác trẻ em không được nhận phụ cấp của ngành này nhưng vì yêu trẻ và cũng vì nhiệm vụ xã hội nên tôi phải làm. Nếu không làm thì nhiều trẻ em không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đơn cử như việc làm thẻ bảo hiểm y tế cho các cháu. Chúng tôi làm với “tinh thần yêu trẻ” là chính”.

Nếu công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, sẽ dẫn đến nhiều hệ quả như việc trẻ em chịu thiệt thòi, các quyền cơ bản của trẻ em, các mục tiêu vì trẻ em không thực hiện đến nơi đến chốn. Ông Phan Long Thành, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) cho rằng: “Đội ngũ trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn quá thiếu. Do đó việc xây dựng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, cán bộ chuyên trách phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải được từng bước chuyên môn hóa về mạng lưới tổ chức và đội ngũ cán bộ”.

Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho rằng, các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương cần đặt công tác trẻ em vào chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở từng cấp, để công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đi vào chiều sâu, hiệu quả. “Hiện sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt đề án bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, khi đề án này được triển khai, có thể ngành sẽ tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc nhất định về công tác trẻ em hiện nay”, bà Phạm Thị Tương Lai nói.

THANH HỘI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek