Là xã vùng cao giao thông cản trở nên trước đây đồng bào dân tộc Chăm H’Roi ở 7 thôn, buôn của xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) luôn đối mặt với khó khăn. Nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhân dân trong xã bây giờ không sợ đói, đang cố gắng vươn lên làm giàu.
Một góc Cà Lúi hôm nay - Ảnh: L.KHA
Ông KPá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi cho biết: Những năm trước đây, đời sống bà con của xã Cà Lúi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bà con lại chưa tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gặp mấy năm liên tiếp mùa màng thất bát nên đời sống vất vả. Trước tình hình như vậy, lãnh đạo xã cùng các hội, đoàn thể bàn bạc, muốn phát triển bền vững trước hết cần thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Muốn vậy phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng đất miền núi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh thì mới đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay, toàn xã có 762ha gieo trồng, trong đó cây lúa nước 2 vụ gần 70ha, sắn 238ha, mía 235ha. Đàn bò toàn xã có 2.357 con, trong đó bò lai trên 350 con.
Về Cà Lúi hôm nay, trông thấy xã vùng cao này từng bước đổi thay, đường sá các buôn làng được bê tông hóa, nhiều nhà mới xây dựng khang trang và những cánh đồng mía, sắn bạt ngàn, ai cũng thích. Ông Ma Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã nói: “Nhờ chương trình 134, 135 của Chính phủ đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh, như trạm bơm điện thủy lợi ở buôn Ma Đao, điện đã đưa về các thôn buôn. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, bò cày kéo... tạo điều kiện cho bà con làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, nên Cà Lúi đã khác trước rất nhiều. Tuy còn nghèo nhưng nạn đói giáp hạt đã “xóa sổ”, nhiều hộ nông dân trồng mía, sắn hàng năm lãi từ 30-80 triệu đồng”.
Trạm bơm thủy lợi ở buôn Ma Đao phục vụ tưới tiêu gần 50ha ở cánh đồng KPông đã đem lại hiệu quả. Ông Ma Pren ở buôn này có hơn 3 sào ruộng lúa nước, nói: “Từ khi có trạm bơm thủy lợi, gia đình tôi sản xuất 2 vụ mỗi năm thu gần 3 tấn lúa, nên tôi không còn thiếu ăn trong những ngày giáp hạt”. Chúng tôi tìm hiểu thêm thì được biết, nhiều bà con ở buôn Ma Lưng, Ma Đỉa, Ma Thìn... tự lực, tự cường đắp đập chặn suối Cò Hay đưa nước về sản xuất lúa nước mỗi vụ trên 10ha. Theo con đường bê tông vừa mới làm xong, chúng tôi tìm đến nhà ông Ma Vừa ở buôn Ma Thìn là nông dân sản xuất giỏi. Ma Vừa không ngần ngại khoe: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ trồng 10ha cây keo lá tràm nay đã 3 năm tuổi rồi. Hiện nay tôi có hơn 2ha mía, vừa thu hoạch bán cho nhà máy đường KCP Sơn Hòa thu lãi gần 70 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi bò được 20 con, gia đình tôi còn tổ chức dịch vụ xe tải, máy gạo và máy tuốt lúa nữa”.
Ông Phạm Văn Quảng, Bí thư Đảng ủy xã Cà Lúi cho biết: “Theo tiêu chí mới, hiện nay toàn xã có 274/506 hộ nghèo. Năm 2011, Cà Lúi phấn đấu giảm 10% hộ nghèo. Đảng bộ tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng, nâng cao chất lượng, sản lượng trên cùng diện tích canh tác. Theo đó, vận động bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất lúa nước, khai thác tiềm năng đất đai, mở rộng diện tích mía, khuyến khích trồng rừng ở những lưng đất trống đồi núi trọc, giữ rừng nguyên sinh ở đầu nguồn sông Cà Lúi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò đàn, thải dần bò kém chất lượng, tăng trưởng bò lai để đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
TRẦN LÊ KHA