Năm 2010, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, Đề án phát triển nghề công tác xã hội được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và đạt được một số kết quả bước đầu.
Thanh niên luôn là lực lượng xung kích trong công tác xã hội (Trong ảnh: Sinh viên tình nguyện nạo vét mương tiêu giúp dân xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu)) - Ảnh: HIẾU TRUNG
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phạm vi của đề án, Thường trực Ban chỉ đạo đã xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các thành viên, các ngành, địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch Phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 với tổng kinh phí thực hiện hơn 24,5 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2020 đạt được một số chỉ tiêu cơ bản. Đó là, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của công tác xã hội, định hướng để người dân hiểu biết và tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội; nâng số lượng nhân viên công tác xã hội ở các cấp từ 623 người năm 2010 lên 1.050 người vào năm 2020; đào tạo, đào tạo lại cho nhân viên công tác xã hội ở các cấp; tập huấn cho 100% cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội; áp dụng mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ và thang bảng lương cho cán bộ, nhân viên công tác xã hội theo quy định của Bộ Nội vụ; xây dựng và đưa vào hoạt động một trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức điều tra lực lượng đội ngũ nhân viên công tác xã hội ở các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể; điều tra đánh giá trình độ chuyên môn và nhu cầu đào tạo, đào tạo lại đối với đội ngũ nhân viên công tác xã hội. Theo đó, tổng số nhân viên công tác xã hội là 942 người (kể cả kiêm nhiệm). Trong đó, TP Tuy Hòa: 202 người, TX Sông Cầu: 105 người, các huyện Đồng Xuân: 89 người, Tuy An: 88 người, Sơn Hòa: 104 người, Sông Hinh: 91 người, Tây Hòa: 93 người, Phú Hòa: 79 người và Đông Hòa: 91 người. Bên cạnh đó, Thường trực Ban chỉ đạo còn phối hợp Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) tiến hành điều tra, khảo sát tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội ở 6 xã, phường thuộc huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa với tổng số 396 phiếu phỏng vấn 6 cán bộ quản lý, 30 nhân viên công tác xã hội cấp xã và 360 đối tượng thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.
Nghề công tác xã hội là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về lĩnh vực này còn khá nhiều bỡ ngỡ. Nhưng với sự chỉ đạo tích cực của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, nhất là các thành viên Ban chỉ đạo, công tác triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả bước đầu rất đáng trân trọng. Cơ bản đã xác định danh sách nhân viên công tác xã hội ở các cấp, các ngành, địa phương; cơ chế chính sách thực hiện kể cả về mặt tài chính của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai thực hiện đề án tốt hơn trong năm nay và những năm tiếp theo.
Công tác xã hội là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn trong xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già ...). Tiến trình công tác xã hội tập trung vào việc phát hiện những mối quan tâm của con người (việc làm, thu nhập, tâm lý, tình cảm...); xác định các nhu cầu của con người (nhu cầu về ăn, ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...); xác định các nguồn lực bên trong (sức khỏe, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác) và bên ngoài (sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, các đoàn thể xã hội...) của con người. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và mục tiêu để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng được hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. |
VŨ THANH BÌNH
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB – XH tỉnh Phú Yên