Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm, nhưng hậu quả của nó để lại đến nay vẫn còn hiện hữu. Hơn 9.000 người của Phú Yên bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang hàng ngày vật vã trong nỗi đau khó có thể diễn tả bằng lời. Họ đang rất cần sự chia sẻ, chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
Nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin ở huyện Tuy An được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất. - Ảnh: M.KÝ
NỖI ĐAU CÒN ĐÓ
Nhiều người còn nhớ hoàn cảnh của gia đình bà Đỗ Thị Nhiêm ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa). Bà bị nhiễm chất độc da cam nên 10 lần sinh con thì cả 10 người đều bị dị tật. Trong đó, 8 người đã qua đời, 2 người còn sống thì thân hình dị dạng, không thể tự lập. Bà đã khóc hết nước mắt vì tình cảnh của gia đình và vì con. “Gia đình hết sức khó khăn.Tôi thì sức yếu, nhưng thương con nên phải cố gắng lo cho các con, được đến đâu hay đến đấy”- bà Nhiêm nói trong nước mắt.
Bà Phạm Thị Tăng, ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cũng vậy. Bà sinh hai người con, một người nay đã 45 tuổi, người kia 40 tuổi, nhưng cả hai đều bị bại não, thiểu năng trí tuệ, liệt toàn thân, lúc nào cũng ngây ngô như đứa trẻ lên ba. Để nuôi con và lo cho gia đình, hằng ngày bà phải đi làm thuê, làm mướn. Hay như ông Lê Tiến Thanh, cựu chiến binh xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), cũng có hai con bị dị tật, liệt toàn thân, thiểu năng trí tuệ…Và còn rất nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đau khổ. Phần lớn những gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo và vô vọng. Họ là “những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ” nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã từng nói như vậy.
NỖ LỰC VÌ NẠN NHÂN DA CAM
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận và nhân dân các huyện, thị, thành phố, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt được những kết quả đáng kể. Đến hết tháng 7/2011, tổ chức Hội được thành lập ở 9 huyện, thị, thành phố và 10 xã với 2.665 hội viên. Tuy còn khó khăn về nhiều mặt, nhất là kinh phí hoạt động và điều kiện làm việc, nhưng các cấp hội đã nỗ lực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam. Ông Nguyễn Việt Khanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên cho biết: 6 tháng đầu năm 2011, Hội đã vận động ủng hộ Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin được 3,2 tỉ đồng, trong đó các tổ chức và cá nhân trong nước ủng hộ 2, 868 tỉ đồng, các tổ chức và cá nhân nước ngoài ủng hộ 332 triệu đồng. Số tiền nói trên đã được trợ cấp xây dựng 41 nhà tình thương; hỗ trợ vốn sản xuất 31 hộ gia đình; trợ cấp học bổng 219 suất; trợ cấp khó khăn, khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả bão lụt 1.626 suất; quà nhân dịp lễ, tết và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8) hàng năm 3.495 suất.
Có thể nói, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong thời gian qua đã được quan tâm đúng mức. Số tiền các tổ chức cá nhân, ủng hộ đã được các cấp hội vận dụng một cách năng động, sáng tạo bằng mọi hình thức giúp đỡ hiệu quả. Trong đó, dùng để mua bò giống lai sind giao cho hộ gia đình nạn nhân chăn nuôi sinh sản, phát triển kinh tế gia đình và tăng thu nhập, sau 3 năm chuyển giao cho hộ nạn nhân khác là một trong những mô hình hay. Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa khác đã được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhằm giúp đỡ các nạn nhân da cam vượt lên nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Ông Khanh nhấn mạnh: “Với sự quan tâm, hỗ trợ của cả cộng đồng, các kiều bào, bạn bè quốc tế về tinh thần và vật chất, những nạn nhân chất độc da cam đang từng ngày, từng giờ nỗ lực vươn lên, vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống và đấu tranh vì công lý, công bằng”.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều nạn nhân chất độc da cam đang sống khó khăn, chưa thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Ông Khanh cho biết, nguyên nhân một phần do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thảm họa chất độc da cam chưa thường xuyên, liên tục, chưa có nhiều hình thức phong phú, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ; một số cơ quan có trách nhiệm nhận thức chưa đầy đủ tính chất nghiêm trọng của hậu quả chất độc da cam…. Do đó, kết quả thực hiện còn hạn chế. Mặt khác, hiện chưa có tiêu chí cụ thể, khoa học để xác định hay kết luận nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Việc ban hành các chế độ chính sách cho các nạn nhân này vẫn còn bất cập, mức trợ cấp còn thấp; thủ tục xét hưởng trợ cấp còn phức tạp. Trong khi đó, còn nhiều nạn nhân bị hậu quả chất độc da cam nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách như những người đã và đang công tác sinh sống ở các vùng bị phun rải chất độc hóa học trước đây, kể cả các hộ dân đang sinh sống ở các vùng được xác định là “điểm nóng” bị bệnh hiểm nghèo và sinh con dị dạng, dị tật hoặc có nguy cơ cao về nhiễm chất độc da cam sau 30/4/1975; chưa có chế độ trợ cấp cho thế hệ “F2” của nạn nhân chất độc da cam…
KIM CHI