Bước đầu lập nghiệp chỉ vài chục ngàn đồng, sau nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng, gia đình chị Bùi Thị Hạnh (30 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) trở nên khấm khá, nhà cửa khang trang.
Chị Hạnh sở hữu trang trại mía từ nguồn vốn vay ngân hàng - Ảnh: H.LÊ |
Sinh ra trong một gia đình bần nông ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hòa Bình, nhà đông anh chị em cuộc sống hết sức khó khăn nên đầu năm 2000, chị Hạnh cùng 2 người bạn thân quyết định rời quê vào Nam lập nghiệp. Hành trang của cô gái nghèo lúc đó chỉ vẻn vẹn 2 bộ quần áo và vài chục ngàn đồng làm vốn. Điểm đến của chị là huyện Sơn Hòa. Vốn là dân lao động, lại trẻ khỏe, tháo vát nên chị làm tất cả mọi việc, từ rửa chén đến chặt mía mướn và ngay cả phụ hồ công việc dành cho đàn ông chị cũng làm. Những ngày lao động vất vả chị đã gặp anh Võ Đình Sơn, ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) và kết duyên vợ chồng.
Lấy nhau, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ bước đầu khá khó khăn. Cuối năm 2000, anh chị vay Ngân hàng Nông nghiệp huyện Sơn Hòa 5 triệu đồng theo diện hộ nghèo. Bên cạnh đó, cha mẹ chồng hỗ trợ thêm mía giống giúp anh chị trồng được 4,5 sào mía. Vụ đầu tiên thu hơn 20 triệu đồng. Số tiền này chị dùng mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất và 1 con bò. Đến năm 2005, chị vay thêm 8 triệu đồng tiếp tục mở rộng đất sản xuất, với 2ha mía, 1 sào lúa nước và nuôi bò. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình chị tăng lên rõ rệt 60 - 70 triệu đồng/năm. Ngoài việc trồng trọt, anh chị đầu tư chế biến đường trầm (lúc đó chưa có nhà máy đường). Thời đó, ít vốn, anh chị mua mía sô tính theo sào, khoảng 3 triệu đồng/sào. Sau mỗi vụ ép gần 1ha mía cây, thu lãi vài chục triệu đồng.
Năm 2008, thông qua vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa, chị Hạnh vay 25 triệu đồng theo diện sản xuất kinh doanh tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía, nuôi bò và sản xuất đá chẻ. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị ngày càng khấm khá. “Xuất thân từ gia đình khó khăn nên tôi chẳng ngại việc gì. Tiền thu được từ mía, bò tôi để dành xây nhà. Chi phí sinh hoạt hàng ngày thì nhờ tiền kiếm được từ việc chẻ đá”, chị Hạnh tâm sự.
Chị Võ Thị Mỹ Liên, tổ trưởng tổ phụ nữ số 1 (thôn Ngân Điền) nhận xét: “Chị Hạnh là một trong những hội viên nhạy bén công việc, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cấp trên và chị em hội viên. Công việc hội đưa ra, chị đều tích cực tham gia và làm rất tốt”. Còn chị Trần Thị Nhung, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Ngân Điền chia sẻ: “Chị Hạnh là người phụ nữ mẫu mực, thương chồng, chăm con, hiếu thuận với cha mẹ chồng, biết đoàn kết, giúp đỡ bà con lối xóm lúc khó khăn, hoạn nạn. Chị là một trong những hội viên tiêu biểu cho phong trào phát triển sản xuất và xây dựng gia đình hạnh phúc ”.
Mới đây, vợ chồng chị Hạnh làm lễ tân gia mừng nhà mới 3 năm - ngôi nhà có tổng trị giá gần 180 triệu đồng. Vợ chồng trẻ ở miền quê với cơ ngơi như vậy làm bà con chòm xóm ai cũng khen ngợi.
HỒNG LINH