Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” đã xác định: Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp; tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong bắt, giữ”. Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” tiếp tục khẳng định: Trước mắt, Viện KSND giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Cán bộ, công chức ngành KSND Phú Yên báo công tại Nhà thờ Bác Hồ ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), để mỗi cán bộ, công chức thực hiện tốt lời dạy của Bác đối với người cán bộ kiểm sát - Ảnh: V.TÀI
Vì vậy, trong thời gian tới, Viện KSND tỉnh Phú Yên nói riêng phải tổ chức thực hiện thật tốt hai chức năng của ngành. Đây là trách nhiệm chính trị của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, toàn thể cán bộ, kiểm sát viên cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc các chủ trương, các quy định mới của Đảng và Nhà nước về tổ chức và hoạt động của ngành trong giai đoạn mới.
Song song đó, công tác kiểm sát phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, mỗi cán bộ, kiểm sát viên cần quán triệt, vận dụng nhuần nhuyễn các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội vào công tác kiểm sát. Khi giải quyết các vụ việc cụ thể, một mặt phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, mặt khác trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, viện kiểm sát các cấp cần phải chú trọng tham mưu cho cấp ủy những vấn đề trong phòng, chống tội phạm, trong quản lý kinh tế và phát triển kinh tế, xã hội. Làm tốt nhiệm vụ này, ngành Kiểm sát đã góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thực hành quyền công tố, Đảng và Nhà nước yêu cầu tăng cường trách nhiệm của công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra. Do vậy, cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự: vừa thực hành quyền công tố vừa kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra của cơ quan điều tra. Hai nhiệm vụ này, tuy mỗi nhiệm vụ đặt ra những yêu cầu đặc thù nhưng lại có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau. Trong đó, khi thực hành quyền công tố, cần áp dụng các biện pháp do pháp luật quy định để đưa người phạm tội ra truy tố, xét xử. Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật, phải giám sát, bảo đảm để hoạt động điều tra của cơ quan điều tra và những người tham gia tố tụng tuân thủ đúng pháp luật; đảm bảo việc ra các quyết định tố tụng (khởi tố, bắt, giam, giữ, truy tố…) có căn cứ, đúng pháp luật. Ngoài ra, trong giai đoạn xét xử, phải đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Vai trò của kiểm sát viên tại phiên tòa là thay mặt Nhà nước để thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Do đó, tại phiên tòa, kiểm sát viên phải chủ động, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, lệch lạc, lợi dụng dân chủ để xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó bảo vệ quan điểm truy tố, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Kiểm sát viên phải nắm vững các quy định của pháp luật, nắm vững các chứng cứ liên quan đến vụ án, dự báo trước các tình huống và các phương án để bảo vệ quan điểm truy tố, tôn trọng quyền của luật sư và quyền bào chữa của bị cáo; tranh tụng dân chủ với luật sư và những người tham gia tố tụng. Quan điểm giải quyết vụ án của kiểm sát viên tại phiên tòa phải là kết quả của quá trình tranh tụng dân chủ, công khai, có trách nhiệm giữa kiểm sát viên với luật sư và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, để tăng cường trách nhiệm công tố, trong thời gian tới, Viện KSND các huyện, thị xã, thành phố cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố đối với các loại tội phạm về tham nhũng, ma túy, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức…; thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu công tác trọng tâm như giảm tỉ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, hạn chế và từng bước khắc phục tỉ lệ án đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do không chứng minh được tội phạm hoặc do bị can không phạm tội, án do tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Trong kiểm sát các hoạt động tư pháp, nhất là đối với công tác kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, kiểm sát thi hành án, cần nắm vững quan điểm của Đảng và quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND trong lĩnh vực này và tổ chức thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả. Trước mắt, cần bảo đảm có đủ kiểm sát viên để tham gia các phiên họp, phiên tòa theo quy định của pháp luật; từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia phiên tòa; chú trọng phát hiện vi phạm trong công tác giải quyết án để tăng cường kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án hình sự và dân sự, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn để góp phần nâng cao chất lượng thi hành án.
Trước yêu cầu của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu của cải cách tư pháp, công tác cán bộ cần phải được đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn. Pháp lệnh Kiểm sát viên (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 quy định ngạch kiểm sát viên không theo cấp hành chính và giao quyền chủ động cho viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh trong việc điều động kiểm sát viên trong phạm vi địa phương. Do đó, cần thường xuyên quan tâm công tác quản lý, giáo dục cán bộ; chú trọng đổi mới phương pháp quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng chuẩn và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ của ngành kiểm sát trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Mỗi cán bộ, kiểm sát viên đều phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm gắn với tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
NGUYỄN HỮU PHÚC
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Yên