Thứ Năm, 28/11/2024 07:33 SA
Giảm nghèo ở vùng khó khăn, khu vực miền núi:
Cần những chính sách đồng bộ
Thứ Bảy, 16/07/2011 11:00 SA

Sau 5 năm thay đổi chuẩn nghèo, tỉ lệ hộ nghèo trong tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trở lại như cũ, thậm chí có nơi tỉ lệ này còn cao hơn so với trước đây. Nhiều người cho rằng, cần có những chính sách giảm nghèo bền vững.

 

anhgn110716.gif

Gia đình Mí Rắc thuộc diện hộ nghèo ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: L.BIẾT

 

NGHÈO VẪN HOÀN NGHÈO

 

Phú Yên có 32 xã thuộc diện khó khăn. Theo Quyết định 640/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới, tỉ lệ hộ nghèo ở Phú Yên là 19,46% và hộ cận nghèo trên 14%. Trong đó, huyện Sông Hinh và Đồng Xuân tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, cao hơn tỉ lệ hộ nghèo cách đây 5 năm. Điều này cho thấy các chương trình đầu tư giảm nghèo triển khai trên địa bàn tỉnh trước nay chưa thật bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nói: Từ kết quả điều tra hộ nghèo năm 2011, một lần nữa cho thấy các hộ được giảm nghèo trong 5 năm qua trên địa bàn tỉnh cũng chỉ mới vượt qua ngưỡng nghèo, khi các chuẩn nghèo thay đổi thì “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Đây là điều mà lãnh đạo tỉnh đang trăn trở để tìm ra những giải pháp thực sự khả thi và bền vững hơn.

 

Thực hiện các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, những năm qua, các xã khó khăn và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng nhiều chương trình đầu tư của Chính phủ, như Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình 167 và các chương trình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, y tế, giáo dục khác. Trong các chương trình được đầu tư phải kể đến các chương trình cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên hiện dư nợ cho vay vốn đối với hộ nghèo của chi nhánh trên 440 tỉ đồng, cho vay vốn để hộ ở vùng khó khăn phát triển sản xuất trên 161 tỉ và cho hộ dân tộc thiểu số vay trên 8,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, có nơi đồng vốn vay không phát huy tác dụng, hoặc hiệu quả đầu tư rất thấp và kết quả là nhiều hộ mặc dù đã được tiếp cận vốn ưu đãi nhưng nghèo vẫn nghèo. Ông Hồ Văn Thục, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên cho biết: Qua khảo sát, nhiều hộ vùng dân tộc thiểu số chưa biết cách làm ăn. Việc trồng cây gì, nuôi con gì thường chạy theo phong trào, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”, hiệu quả kinh tế không cao. Trong chăn nuôi thì tập quán chăn thả rông vẫn chiếm đại đa số, việc đầu tư chăn nuôi thâm canh rất ít hộ mạnh dạn đầu tư. Một số hộ không biết tiếng Kinh và tập quán sản xuất lạc hậu nên việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất khó triển khai.  Ngoài ra, tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn ở nhiều nơi, có hộ vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhưng bị thiên tai, dịch bệnh, sản phẩm làm ra phụ thuộc lớn vào giá cả thị trường nên rất bấp bênh. Đây là những nguyên nhân khiến đồng vốn vay khó phát huy tác dụng trong thực tế và việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo không bền vững.

 

TÌM GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

 

Theo ông Hồ Văn Thục, muốn phát huy giá trị đồng vốn vay tại các vùng khó khăn, đòi hỏi các địa phương và ngành chức năng phải triển khai các giải pháp đồng bộ. Ngoài việc đưa vốn đến dân thì rất cần sự nỗ lực của các ngành trong việc hướng dẫn người dân cách làm ăn sao cho hiệu quả nhất. “Trong khả năng cho phép, những năm gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các tổ trưởng tổ vay vốn, sau đó họ truyền đạt lại cho các tổ viên để cùng nhau áp dụng vào sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình”, ông Thục cho biết.

 

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban dân tộc tỉnh cho biết: Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng Chương trình 134, Chương trình 135, nhất là các hộ nằm trong các vùng dự án thủy điện bị thu hồi đất hiện không có đất để sản xuất, do vậy điều cần thiết nhất hiện nay là nhanh chóng cấp đất sản xuất cho dân. Cùng với đó là ổn định nhà ở và triển khai các chương trình đầu tư khác để người dân yên tâm sản xuất.

 

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek