Chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo của tỉnh đã được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và ngày càng phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên chương trình đang có những vướng mắc cần tháo gỡ. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội; Phó ban Thường trực Ban Điều hành xóa nhà tạm cho hộ nghèo của tỉnh về chương trình này.
Bàn giao nhà cho một gia đình ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: P.NAM
* Đồng chí có thể đánh giá kết quả qua 2 năm triển khai Quyết định 167/QĐ/TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở?
- Hiệu quả mang lại từ công tác xóa nhà tạm cho hộ nghèo của chương trình trên là rất lớn, gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Những đối tượng hộ nghèo được chọn hỗ trợ xây dựng nhà đều có vốn đối ứng, có sự hỗ trợ của cộng đồng, như đóng góp ngày công, vật liệu thô… Nhiều nhà có kinh phí thực tế xây dựng thấp nhất cũng trên 25 triệu đồng, cao hơn so với sự hỗ trợ của Nhà nước. Ví dụ, ngay tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), có hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà đến hơn 60 triệu đồng. Họ bán mía, góp vào để xây dựng được một ngôi nhà khang trang, kiên cố. Nếu trong quá trình tự lực vươn lên, ai cũng có ý chí như vậy thì sự ỷ lại trông chờ sẽ không còn nặng nề như thời gian trước. Qua kiểm tra tại các địa phương cho thấy, ban điều hành của xã tự đứng ra làm tín chấp để trực tiếp hướng dẫn theo mẫu thiết kế định hướng của Sở Xây dựng hoặc làm tín chấp lấy vật tư, nên người dân được hưởng lợi trọn vẹn, không phải qua trung gian. Đó là những kết quả khả quan. Ngoài ra, các địa phương, các hội đoàn thể, Mặt trận phối hợp tuyên truyền, vận động, giúp người dân chuyển hóa về mặt tư tưởng, có sự nỗ lực phấn đấu và tự lực vươn lên bằng sức của mình, không trông chờ ỷ lại hoàn toàn vào Nhà nước.
Từ đầu năm 2009 đến tháng 6/2011, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 3.057 hộ với 42,5 tỉ đồng. Trong đó, nguồn 167: 1.315 hộ; Quỹ ngày vì người nghèo: 864 hộ; Quỹ xóa nhà ở tạm của tỉnh: 256 hộ; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân: 622 hộ. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 12/2011, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành xây dựng nhà ở cho 1.772 hộ nghèo thuộc Chương trình 167. Trong đó, vốn Chương trình 167 hỗ trợ 1.472 hộ; vốn Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam hỗ trợ 300 hộ.
* Thực tế hiện nay, còn nhiều hộ nghèo khi được Nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm nhưng lại không dám nhận vì không đủ kinh phí làm nhà. Đồng chí có ý kiến gì về điều này?
- Toàn tỉnh hiện còn trên 1.700 hộ nghèo (theo tiêu chí cũ giai đoạn 2006-2010) có nhà ở tạm cần được hỗ trợ để xây dựng. Nhưng theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ và phần tăng thêm từ nguồn Quỹ vì người nghèo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh thì đối tượng được hỗ trợ cao nhất là 12 triệu đồng, thấp nhất là 8,4 triệu đồng. Ngoài ra, nếu những hộ đó có nhu cầu vay thì được ngân hàng chính sách xã hội cho vay 8 triệu đồng nữa; đối tượng hưởng cao nhất khoảng 20 triệu đồng. So với thời điểm hiện tại giá cả, vật tư tăng cao, nhất là những vùng xa, hẻo lánh thì phí vận chuyển, công thợ, ngày công… càng cao, dẫn đến nhiều hộ có quyết định được hỗ trợ rồi nhưng họ không thể xây nhà được. Vì nếu xây nhà chỉ với số tiền 20 triệu thì vẫn là nhà tạm, mà chủ trương của tỉnh thì không thể xóa nhà tạm này để xây nhà tạm khác. Mặt khác, xây nhà mới thì diện tích tối thiểu phải 28m2 trở lên và mang tính chất 3 cứng: mái cứng, tường cứng, nền cứng để đảm bảo bền vững, cao ráo, thoáng đãng, sử dụng lâu dài. Qua kiểm tra mới đây, hầu hết các địa phương đều báo cáo là với số tiền ít như thế thì không cách nào xây dựng được. Thêm nữa là, có những hộ quá nghèo, không có vốn của bản thân, đề nghị vay thêm 8 triệu đồng nữa họ không dám, vì vay mà chưa biết sẽ trả nợ thế nào. Bên cạnh đó, có một vấn đề nảy sinh là trên cùng một địa bàn nhưng mức hỗ trợ đối với hộ nghèo là khác nhau. Nhiều tổ chức hỗ trợ với mức cao hơn, so với mức của Nhà nước. Vì thế, nhiều hộ thắc mắc tại sao nhà này được hỗ trợ 30 triệu đồng, trong khi nhà khác chỉ có 12 triệu, dẫn đến có tư tưởng trông chờ. Một thực tế khác là, khi xét hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhiều địa phương chưa tính kỹ khả năng nguồn lực của hộ nghèo, giải quyết đất ở chưa kỹ… nên khi thực hiện gặp nhiều khó khăn. Theo tiêu chí mới, toàn tỉnh hiện còn hơn 6.000 hộ nghèo đang ở nhà tạm chưa được đưa vào danh sách hỗ trợ nhà ở. Vì vậy, nếu như không tháo gỡ khó khăn thì chắc chắn việc hoàn thành nhà ở theo Quyết định 167 sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa.
* Từ những khó khăn đó, Ban Điều hành xóa nhà tạm cho hộ nghèo của tỉnh đã có những giải pháp gì để giúp hộ nghèo có đủ nguồn lực xóa nhà tạm?
- Từ thực tế trên cộng với yếu tố trượt giá, thường trực Ban Chỉ đạo xóa nhà ở tạm của tỉnh dự kiến sẽ có đề xuất để thông qua UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ từ 12 triệu đồng lên 20 triệu đồng và từ 8,4 triệu đồng lên 16 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo kiến nghị Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn đối với cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm tăng thêm sức mạnh trong quá trình triển khai xóa nhà ở tạm. Đề nghị Mặt trận, các đoàn thể động viên thuyết phục bà con, không trông chờ quá nhiều đối với Nhà nước. Nhà nước chỉ hỗ trợ, giúp phương tiện, định hướng để bản thân hộ nghèo tự vươn lên là chính.
* Xin cảm ơn đồng chí!
KIM CHI (thực hiện)