Thứ Bảy, 05/10/2024 02:30 SA
Sử dụng kịch tương tác truyền thông thay đổi hành vi
Thứ Hai, 11/07/2011 11:00 SA

Truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGÐ) là một trong những hoạt động ưu tiên của chương trình mục tiêu quốc gia về dân số. Muốn nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của người dân theo chiều hướng tích cực thì việc lựa chọn phương pháp truyền thông phù hợp sẽ mang lại hiệu quả cao.

 

kich-110711.jpg

Một cảnh kịch tượng trong việc sử dụng kịch tương tác để truyền thông dân số tại huyện Sông Hinh. - Ảnh: T.THẢO

“KÉO” MỌI NGƯỜI CÙNG THAM GIA

 

Công tác DS-KHHGĐ được tuyên truyền trên các mô hình truyền thông đại chúng, các ấn phẩm sách báo, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng… hiệu quả vẫn chưa cao. Xuất phát từ thực tiễn đó, đồng thời nâng cao kỹ năng truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã và đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) Hà Nội tổ chức chương trình truyền thông thay đổi hành vi bằng việc sử dụng kịch tương tác. Theo đó, việc truyền thông DS-KHHGĐ được thực hiện bằng phương pháp xây dựng những vở kịch, những tình huống kịch của chính những người tham gia là một hình thức mới giúp người dân tiếp cận thực tế với đời sống hàng ngày.

 

Nội dung chương trình truyền thông là nêu khái quát về các phương pháp kịch trong sinh hoạt cộng đồng và sự khác nhau với thể loại kịch sân khấu. Các phương pháp kịch bao gồm: kịch tượng, kịch có lời dẫn chuyện, kịch lồng tiếng và các vở diễn mẫu về việc sử dụng phối hợp các phương pháp trên. Ông Hồ Ngọc Bảo Khiêm, giảng viên của CGFED, cho biết: “Phương pháp truyền thông này đòi hỏi mọi người cùng tham gia, cùng hoạt động, ai cũng có thể trở thành những “diễn viên”, tự những người tham gia sẽ xây dựng tình huống và giải quyết tình huống dựa trên thực tế. Tuy nhiên, muốn xây dựng một vở kịch tốt, họ phải chú ý thực hiện trình tự các bước sau: chọn chủ đề; xây dựng câu chuyện; chọn phương pháp và phân vai; tập luyện, chọn trang phục và đạo cụ. Đồng thời, diễn thử và chỉnh sửa, biểu diễn và tương tác với người tham gia. Cuối cùng là thảo luận, rút ra bài học kinh nghiệm”.

 

KÊNH TRUYỀN THÔNG CẦN NHÂN RỘNG

 

Chương trình truyền thông bằng phương pháp mọi người đã xác định được rằng trong quá trình diễn ra kịch tương tác thì vai trò của người “tương tác” hay còn gọi là “MC” vô cùng quan trọng. “MC” cần sử dụng tốt các kỹ năng đặt câu hỏi, khích lệ người dân tham gia và phải làm thế nào giữa hình ảnh mà mọi người đã thấy qua vở kịch sẽ được họ tham gia suy nghĩ, phân tích về các tác động và tìm ra các giải pháp khắc phục phù hợp mà chính bản thân và cộng đồng có thể thực hiện được. Đây chính là hiệu quả do hoạt động truyền thông thay đổi hành vi mang lại. Bởi vì kịch tương tác trong truyền thông thay đổi hành vi do cán bộ dân số hay cộng tác viên cùng người dân xây dựng, cùng diễn và cùng thảo luận nên đã khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc tìm ra giải pháp và giải quyết các vấn đề tồn tại.

 

  Phạm Thị Thơ, chuyên viên của CGFED, cho biết: Kịch truyền thông thay đổi hành vi là phương pháp mô hình hóa và hình tượng hóa các vấn đề của cộng đồng. Nó có tác dụng kích thích, tạo sự tự tin cho người tham gia, mạnh dạn đứng trước đám đông. Sử dụng kịch thay đổi hành vi đã thu hút người dân tham gia, động não và đóng góp ý kiến. Chính họ lấy tình huống của gia đình xây dựng nên vở kịch và cùng mọi người giải quyết tình huống. Qua tương tác, mọi người có thể chia sẻ cảm xúc, nhận lời khuyên của những người khác hoặc tự đưa ra giải pháp cùng thực hiện. 

 

Với việc áp dụng kịch vào công tác tuyên truyền, những người làm công tác dân số sẽ gần gũi với người dân hơn, kết nối trực tiếp với người dân một cách nhanh nhất, giải đáp nhanh nhất các thông tin về SKSS-KHHGĐ. Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, nói: “Đây là một phương pháp truyền thông rất mới nhưng không khó nên mọi người rất hào hứng tham gia. Việc triển khai mô hình truyền thông này kết hợp với các mô hình truyền thông đang có sẵn, sẽ chuyển tải rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải đáp thắc mắc, cung cấp kiến thức cho người dân trong lĩnh vực DS-KHHGĐ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông; Đồng thời, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược DS-SKSS của Phú Yên giai đoạn 2011-2020. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích việc áp dụng kịch tương tác trong truyền thông tại cộng đồng”.

 

THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek