Thông qua mô hình học tập cộng đồng, người dân xã Hòa Hiệp Trung (huyện Ðông Hòa) được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Học sinh Trường THCS Lương Tấn Thịnh thực hành môn Sinh học - Ảnh: q.anh |
Qua hơn 7 năm hoạt động, TTHTCĐ xã Hòa Hiệp Trung đã mở trên 180 lớp và chuyên đề với gần 21.000 lượt người tham gia. Hàng năm, trung tâm còn mở được 4-5 lớp chứng chỉ A tin học, ngoại ngữ, lớp sơ cấp chăn nuôi, sơ cấp kỹ thuật lâm sinh, sơ cấp điện, lớp bổ túc văn hóa và thực tế từ các lớp học này học viên đã áp dụng kiến thức đã học vào quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương có hiệu quả.
Là một xã có truyền thống cách mạng, người dân Hòa Hiệp Trung luôn nêu cao ý chí tự lực, cần cù trong lao động, biết vượt qua khó khăn, gian khổ để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp, Đảng bộ và chính quyền xã đã tập trung chăm lo cho công tác giáo dục thế hệ trẻ và nâng cao trình độ dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho nhân dân trong xã.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập do Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung Trần Phú Sơn, cho biết Đảng bộ và chính quyền địa phương nhận thức, để mọi người dân ai cũng được học hành, ai cũng được thụ hưởng nền văn hóa của nhân loại, của dân tộc thì cần phải xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tiếp thu, nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nên năm 2004 Hòa Hiệp Trung thành lập Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Mặc dù trung tâm được hình thành trong hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã cùng với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, năng nổ và linh hoạt của Ban giám đốc, Trung tâm đã huy động mọi nguồn lực sẵn có ở địa phương như sử dụng hội trường UBND xã làm nơi triển khai học tập; mượn các phòng học triển khai các chương trình đào tạo; điểm sinh hoạt văn hóa của các thôn làm nơi tập hợp nhân dân tham gia các chương trình phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nội dung học tập được TTHTCĐ xã Hòa Hiệp Trung chú trọng vào việc: dạy chữ, dạy nghề, phổ biến các kiến thức liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đời sống. Ngoài ra, trung tâm còn là nơi mà các ban ngành, đoàn thể tổ chức hội họp, sinh hoạt phối hợp với nhau nhằm thực hiện tốt công tác nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, nhân dân trong xã, góp phần ổn định kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Ông Trần Phú Sơn cho biết thêm: Từ khi mô hình học tập cộng đồng đi vào hoạt động đã làm cho công tác xã hội hóa giáo dục chuyển biến nhanh, có tác động tích cực đến toàn xã hội. Toàn xã hiện có 4 trường tiểu học, THCS, trong đó có hai trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Năm 2000, xã Hòa Hiệp Trung được công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS.
Thông qua mô hình học tập cộng đồng, người dân trong xã tham gia học tập các lớp sơ cấp thú y, lâm sinh, kỹ thuật nuôi trồng và đánh bắt hải sản, kỹ thuật thâm canh cây lúa, kỹ thuật điện dân dụng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng sinh động, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú. Mọi người đã biết khắc phục khó khăn để tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ kiến thức, nâng cao sự hiểu biết, đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội ở địa phương.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết: “100% xã, phường, thị trấn ở Phú Yên đều thành lập TTHTCĐ, nhưng số TTHTCĐ hoạt động hiệu quả vẫn còn khá ít, chiếm chưa đến 50%. TTHTCĐ xã Hòa Hiệp Trung là một trong những trung tâm đáp ứng được nhu cầu “cần gì học nấy” của nhân dân”. Chủ tịch Hội Khuyến học Phú Yên Lê Văn Hữu đánh giá rất cao sự nỗ lực của TTHTCĐ xã Hòa Hiệp Trung. Vì theo ông Hữu, trong thời gian qua kinh phí hoạt động của TTHTCĐ chưa có, phần lớn do các trung tâm tự thân vận động. Đây chính là hạn chế làm cho mô hình học tập cộng đồng chưa phát huy tác dụng rộng rãi. Sắp tới, các TTHTCĐ sẽ được hỗ trợ về kinh phí hoạt động thì mô hình này sẽ phát huy hiệu quả một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của nhân dân.
MẠNH THÚY