Thứ Bảy, 05/10/2024 10:22 SA
Lao động Phú Yên “xuôi Nam”, bao giờ “chảy ngược”?
Thứ Năm, 07/07/2011 09:00 SA

Dòng chảy lao động từ Phú Yên vào các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh tìm việc ngày càng mạnh. Không chỉ người có nghề mà cả lao động phổ thông cũng đổ xô vào Nam để làm thuê. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do thị trường lao động ở các tỉnh phía nam phong phú, đa dạng, mọi lứa tuổi đều có thể tìm được việc làm với mức thu nhập khá cao…

 

anh-xk2110707.gif

Tại các phiên giao dịch việc làm được tổ chức gần đây, hầu hết người lao động đều tìm việc làm ngoài tỉnh  - Ảnh: N.HÂN

 

TÌM VIỆC DỄ, THU NHẬP CAO

 

6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 11.280 lao động, đạt 48% kế hoạch năm 2011. Trong đó, lao động làm việc trong tỉnh 8.642, lao động đi làm việc ngoài tỉnh 2.418, xuất khẩu lao động 220 người.

 (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội)

Ở nông thôn điều kiện đất canh tác ngày càng thu hẹp theo bài toán dân số và tốc độ đô thị hóa nên lao động nhàn rỗi và thiếu việc làm ngày càng tăng. Vì vậy, họ phải “Nam tiến” để làm thuê với bất kỳ công việc gì mà xã hội đang cần. Từ gia sư, kỹ sư, may vá, bốc vác, nội trợ, thợ hồ cho đến bán hàng rong, vé số… hầu như nghề nào cũng có người Phú Yên.

 

Ông Nguyễn Văn Chiến, 67 tuổi ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), nói: “Đất nông nghiệp ít lại mất mùa liên tiếp, nếu không vào Sài Gòn tìm việc thì lấy gì mà sống?. Nhiều người cùng xóm cũng rủ nhau đi làm thuê. Trừ chi phí ăn ở, mỗi tháng tôi gởi về nhà cũng được gần hai triệu đồng từ bán vé số”. Những sinh viên là con em nông dân ở các địa phương ít người trở về sau khi tốt nghiệp. Ông Trịnh Anh Văn, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh) tính toán: “Làm việc ở TP Hồ Chí Minh tuy phí sinh hoạt đắt đỏ nhưng người lao động cũng còn tích lũy được. Trong khi đó, ở Phú Yên, mức lương chuyên viên khởi điểm chỉ hơn 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập này chỉ mới tạm đủ trang trải cuộc sống thường ngày. Vì vậy, thị trường lao động ở các tỉnh phía nam luôn hấp dẫn người lao động, nhất là lao động có tay nghề và sinh viên mới tốt nghiệp đại học…”.

 

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Phú Yên, số người đến tư vấn, tìm việc làm 20% có trình độ đại học, cao đẳng, 45% trình độ trung cấp và được đào tạo nghề. Số lao động này hầu hết muốn đi làm việc tại các khu công nghiệp phía nam. Ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc trung tâm này cho biết: “Cái khó trong giải quyết việc làm ở địa phương là các doanh nghiệp đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn khá cao, trong khi chế độ ưu đãi cho người lao động thì không tương xứng. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại Phú Yên vẫn than thở thiếu nhân lực thích hợp nhưng tuyển mãi không thành. Vì vậy, cần xem lại cung cách tuyển, sử dụng và đãi ngộ lao động. Theo tôi, ngoài mức lương đảm bảo cho người lao động đủ sống, cần có những biện pháp để thu hút công nhân như hỗ trợ chi phí ăn ở, phụ cấp, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất…”

 

PHÚ YÊN SẼ THU HÚT ÐƯỢC LAO ÐỘNG?

 

Đa số những lao động đang làm việc tại các tỉnh phía nam, ngoại trừ một số người có cơ hội phát triển thành chủ doanh nghiệp hay khẳng định vị trí nào đó trên thương trường, phần lớn đều có nguyện vọng về làm việc tại địa phương. Chị Lê Thị Bé ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (công nhân Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương) cho biết: “Nhà chỉ có mấy sào ruộng, lại đông anh em, bản thân tôi tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng; trong lúc không xin được việc làm thì có người rủ tôi làm công nhân giày da tại Khu công nghiệp Bình Dương. Sống dè xẻng, kham khổ thì hàng tháng cũng tích lũy một triệu cho gia đình. Tôi cố gắng làm thêm một thời gian, học thêm nghề rồi về tìm việc ở khu công nghiệp gần nhà”. Nguyễn Thành Minh (ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) là cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa, hiện đang làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, tôi muốn xin việc làm ở Phú Yên sau khi ra trường. Nhưng nộp hồ sơ nhiều nơi mà không nơi nào nhận, tôi vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Công việc hiện tại không có gì phàn nàn, nhưng tôi mong được về quê làm việc vì biết Phú Yên đang thu hút nhiều dự án lớn”.

 

m cách nào để thu hút lao động có tay nghề, có trình độ cao là con em Phú Yên? Đây là vấn đề “biết rồi, nói mãi” của nhiều cấp, ngành tỉnh nhà. Không còn cách nào tốt hơn là bên cạnh chính sách đầu tư, ưu đãi chung, các doanh nghiệp cần phải có chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là những sinh viên khá giỏi, người thạo nghề. Lâu nay, tỉnh cũng đã có chủ trương trên nhưng thực hiện vẫn là khoảng cách. Thực tế nhiều sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường về quê, ngay khâu nộp đơn xin việc làm cũng rất khó khăn chứ chưa nói đến chuyện đãi ngộ. Phú Yên hiện là tỉnh nằm trong tốp các tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài. Hy vọng rằng, cùng với việc phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đây sẽ là điều kiện cũng như cơ hội để nhiều lao động có trình độ tay nghề của Phú Yên khẳng định mình tại quê nhà.

 

NGỌC HÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek