Không chỉ có mặt hầu hết trong các quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc bữa ăn hàng ngày cho các thành viên trong gia đình. Vì thế, nâng cao kiến thức cho phụ nữ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là việc làm cần thiết.
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong ATVSTP. - Ảnh: N.DUNG
Các vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP tại Phú Yên vẫn ở mức cao, người chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm vẫn sử dụng chất kích thích, phụ gia, hóa chất độc hại ở tỉ lệ cao, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng... Tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các hộ gia đình, quán ăn trên đường phố vẫn xảy ra, do ăn phải những thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật, hóa chất và khâu vệ sinh kém trong chế biến thực phẩm tại các bếp ăn. Chiếm trên 50% dân số, phụ nữ có vai trò quyết định và không thể thay thế trong việc giải quyết vấn đề ATVSTP trong gia đình và cộng đồng. Bởi họ tham gia vào hầu hết các khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh, cũng như vai trò người tiêu dùng lẫn người nội trợ. Thế nên, nâng cao sự hiểu biết của phụ nữ về lĩnh vực ATVSTP là điều tối quan trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của ATVSTP và vai trò của phụ nữ, các cấp Hội đã kêu gọi các tầng lớp phụ nữ dù ở cương vị nào trong quy trình chế biến thực phẩm cũng phải là những người hiểu biết, có lương tâm, vì lợi ích chung của cộng đồng, nói “không” với thực phẩm không an toàn. Mỗi phụ nữ hãy là “người tiêu dùng thông thái”, là một tuyên truyền viên về ATVSTP. Bà Đỗ Thị Phương
Chị Nguyễn Thị Mai ở phường 9 (TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Trước đây, tôi không lưu tâm lắm đến chuyện mua thực phẩm đóng gói phải có nhãn mác, hạn sử dụng... Từ khi được Hội Phụ nữ tuyên truyền qua những lần sinh hoạt câu lạc bộ cơ sở, tôi nhận thấy ATVSTP là chuyện vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chồng con mình”.
Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ TP Tuy Hòa Đặng Thị Tuyết Nhung chia sẻ: “Hưởng ứng cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, đặc biệt từ khi là Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP Tuy Hòa, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ chợ đã tăng cường tuyên truyền vận động các nữ tiểu thương kinh doanh, mua bán các mặt hàng thực phẩm tại đây tuân thủ các quy định về ATVSTP, nâng cao trách nhiệm đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của người sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm… góp phần nâng cao chất lượng thay đổi hành vi về ATVSTP ngày một tốt hơn”.
Theo thống kê của Cục ATVSTP, từ năm 2006 đến 2010, số vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn quốc đã giảm trung bình 10 vụ/năm. Riêng ở Phú Yên, kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho thấy, tuy tỉ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể đạt tiêu chuẩn ATVSTP đã tăng khá cao, song tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn chưa có xu hướng giảm, nhất là địa bàn TP Tuy Hòa.
NGỌC DUNG