Thời gian qua, tình trạng lao động trẻ em là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Do quan điểm phổ biến rằng, lao động có tác động tích cực đối với lứa tuổi này nên ít được các cấp, cộng đồng, hộ gia đình quan tâm.
Trẻ em trở thành lực lượng lao động thứ yếu, chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn lẫn thành thị. Bên cạnh đó, nghèo đói, gia tăng dân số, tốc độ CNH, HĐH, thái độ của gia đình đối với giáo dục, chất lượng giáo dục còn hạn chế và vấn đề lang thang, di cư… là những yếu tố góp phần làm gia tăng lao động trẻ em. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn ở những địa phương có tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng khá cao. Nhiều nơi có nhiều trẻ tham gia vào các loại hình công việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại như làng nghề thủ công, thêm vào đó là tình trạng trẻ em lang thang, làm việc trên đường phố…
Sau thời gian triển khai nhiều biện pháp, số trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã giảm. Nhiều trẻ và gia đình các em đã được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau như hỗ trợ hồi gia, trở lại trường học, tiếp cận với các dịch vụ y tế, học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, vấn đề lao động trẻ em vẫn đang là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn và nhiều hộ chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo. Do đó, việc ngăn ngừa, giải quyết thực trạng này cũng không chỉ bằng một biện pháp, một chính sách đơn lẻ mà đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể và cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6) năm nay có chủ đề “Cảnh báo! Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - Hãy xóa bỏ lao động trẻ em!”. Tuy nhiên, tất cả các ban ngành, hội đoàn thể đều mong các hoạt động không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo mà cần cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa để sớm chấm dứt tình trạng trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
ĐINH VIẾT HẬU
(Sở Lao động - Thương binh - Xã hội)