Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở nước ta hiện vẫn đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng.
Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Tây Hòa. - Ảnh: T.THẢO
Trung bình mỗi năm có từ 1.000-1.400 em bị xâm hại tình dục, 2.000-3.900 em bị bạo lực, 12.000-18.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có khoảng 15% trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu về nghèo trẻ em dựa trên cách tiếp cận đa chiều về nghèo trẻ em bao gồm: Nghèo về dinh dưỡng; nghèo về chăm sóc sức khỏe; nghèo về giáo dục; nghèo về nhà ở; nghèo về nước sạch; nghèo về vệ sinh môi trường; nghèo về vui chơi, giải trí và nghèo về bảo trợ xã hội… giữa tổ chức Unicef và Bộ Lao động Thương binh-Xã hội cũng đã cho biết, Việt Nam có tới 28% trẻ em sống trong tình trạng nghèo. Chính vì thế, việc chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực; trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị xâm hại, giúp các em tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển là một trong những mối quan tâm lớn hiện nay của toàn xã hội.
Tại Phú Yên, các cơ quan, hội đoàn thể liên quan phấn đấu trợ giúp cho trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ công cộng; trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc; trẻ em bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp; giảm tỉ lệ trẻ em lang thang; giảm tỉ lệ trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; giảm tỉ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, dựa trên chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011- 2015 của bộ, tỉnh sẽ tập trung vào các hoạt động tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý cho trẻ em; trợ giúp trẻ em tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa...; tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; trợ giúp hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho trẻ em và gia đình… Các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng sẽ được đầu tư xây dựng và nhân rộng. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
ĐINH VIẾT HẬU
(Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên)