Thứ Tư, 27/11/2024 13:38 CH
Mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại huyện Phú Hòa:
Góp phần giảm tỉ lệ trẻ bị tai nạn
Thứ Ba, 10/05/2011 08:00 SA

Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở huyện Phú Hòa thời gian qua đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới. Trong đó, mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đã góp phần tích cực giảm tỉ lệ trẻ bị tai nạn. Phú Hòa là huyện duy nhất có 100% xã, trị trấn xây dựng mô hình này.

 

lam-viec-cd110510.jpg

Hướng dẫn phòng chống tai nạn thương tích Trẻ em cho các bậc phụ huynh huyện Phú Hòa. - Ảnh: T.THẢO

 

TẤT CẢ VÌ ÐÀN EM THÂN YÊU

 

 “Không hô hào, không chạy theo thành tích, cán bộ làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ cấp huyện đến xã đều vào cuộc, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về các giải pháp nhằm thực hiện tốt Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ bị tai nạn thương tích. Chính vì vậy, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở huyện Phú Hòa trong những năm qua đạt được kết quả khá toàn diện về mọi mặt. Nhận thức của người dân về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ con cái cũng như các quyền lợi, nghĩa vụ với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên”. Đó là đánh giá của ông Tạ Văn Thắng, Trưởng Phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh.

 

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Phú Hòa, huyện có 28.898 trẻ em, trong đó 2.754 em có hoàn cảnh đặc biệt. Với số trẻ em tương đối lớn cộng với đặc điểm địa lý có hệ thống kênh mương kéo dài, có núi, có sông suối, quốc lộ nên nguy cơ trẻ em bị tai nạn thương tích khá cao. Do đó, ngay từ những ngày đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt chú ý đến phòng chống tai nạn đuối nước.

 

Những vấn đề mà nhiều người dân trước nay cho là bình thường như để con mình đi học bằng xe máy, tắm sông suối, lao động sớm... thì nay họ đã hiểu được vấn đề và cam kết không để tình trạng đó xảy ra. Các hộ gia đình đã biết cách phòng tránh tai nạn cho trẻ như làm nắp đậy cho giếng, bể nước, làm rào chắn xung quanh ao cá, hồ nước, làm lan can ở những ngôi nhà gần kênh, làm biển báo nơi nguy hiểm… Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể các xã cũng tạo được mối liên kết, thống nhất chặt chẽ trong việc thực hiện mô hình này.

 

Nhờ vậy, trẻ em bị tai nạn thương tích giảm rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, năm 2009, toàn huyện xảy ra 13 trường hợp trẻ em chết do tai nạn thương tích, thì đến năm 2010 chỉ còn 6 vụ. Hơn 400 cha mẹ, người chăm sóc trẻ và 127 cán bộ hội, đoàn thể, trường học được trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích để về sinh hoạt và hướng dẫn tại địa phương. Các huyện khác cũng đã đến Phú Hòa học tập kinh nghiệm thực hiện mô hình...

 

Ông Đào Tấn Phước, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Hòa, cho biết: “Cách phòng chống tai nạn thương tích hiệu quả nhất là liên tục mở lớp tập huấn ở những xã có nguy cơ. Đồng thời, phát động phong trào ký cam kết xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn với các hội, đoàn thể và từng hộ gia đình; tuyên truyền qua loa phát thanh, chiếu phim tại các xã...  Lấy mục tiêu tất cả vì đàn em, là chúng ta có thể làm tốt”.

 

ÐẦU TƯ ÐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Từ  khi có mô hình phòng chống tai nạn thương tích, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường rõ rệt và nhận thức của người dân trong việc xây dựng gia đình trở thành môi trường an toàn cho trẻ đã thay đổi. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đi đôi với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, gia đình an toàn về an ninh trật tự, an toàn giao thông… Đó chính là động lực mới, huy động sự tham gia của cán bộ chuyên trách và cộng tác viên ở Phú Hòa.

 

Tuy nhiên, việc bố trí cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã, thị trấn hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, một người phải thực hiện công việc của nhiều đầu mối cơ quan cấp huyện nên bị chồng chéo, chủ yếu chạy theo công việc, tư vấn qua loa, đại khái. Do không được phụ cấp, bồi dưỡng nên khá nhiều cộng tác viên ở các thôn không hoạt động, bởi vậy không phản ánh hết thực trạng trẻ em ở từng thôn, xóm để các cấp, các ngành chức năng có biện pháp chỉ đạo và khắc phục kịp thời.

 

Ông Phước cho biết: “Kinh phí Sở Lao động - Thương binh - Xã hội phân bổ hàng năm chủ yếu thực hiện các hoạt động chuyên đề. Một số lĩnh vực phát sinh hoặc phát triển chiều sâu của mô hình thì không có kinh phí thực hiện. Nếu có sự quan tâm của các cấp chính quyền và đoàn thể thì việc triển khai mô hình này có chiều sâu, có sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ em”.

 

Tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt trong mỗi dịp hè, là mối quan ngại của nhiều bậc phụ huynh và các cơ quan bảo vệ trẻ em. Hậu quả để lại rất lâu dài. Bản thân các em bị tổn thương cả mặt thể chất và tinh thần, có thể gây khuyết tật vĩnh viễn, dẫn đến khó hòa nhập cộng đồng. Trẻ bị tai nạn còn trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.

 

Ông Thắng cho biết: “Phú Hòa là huyện rất chú trọng đến công tác trẻ em. Bất cứ một mô hình nào triển khai hay hoạt động nào triển khai về trẻ em huyện cũng là lá cờ đầu. Sắp đến, chương trình nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của tỉnh là sẽ hỗ trợ mở các lớp dạy bơi, phương pháp sơ cứu tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng cho các huyện, thành lập thêm các câu lạc bộ tuyên truyền về quyền trẻ em và nguy cơ tai nạn thương tích... Lúc đó, tình trạng trẻ em bị đuối nước ở Phú Hòa sẽ giảm rất nhiều”.

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek