Thứ Hai, 07/10/2024 23:26 CH
Sức sống mới từ vùng đất hoang
Thứ Sáu, 31/12/2010 16:00 CH

Cách đây hơn một năm, những người lính Đồn biên phòng Xuân Thịnh hành quân về vùng đất nghèo thôn 1, xã Xuân Hải (TX Sông Cầu), cùng với người dân phát rừng, đào đá núi, mở con đường băng qua vùng đồi Gò Nứa. Từ một vùng gò đồi hoang hóa, bây giờ vùng đất này đã nảy nở, sinh sôi.

 

an101231.jpg

Ông An tiếp khách tại trang trại của mình. - Ảnh: P.OANH

 

VƯỢT NÚI VÀO VÙNG ĐẤT HOANG

 

Trên đường đưa chúng tôi đi tham quan trang trại của các gia đình bên kia Gò Nứa, ông Võ Quang, đội trưởng đội dân phòng xã Xuân Hải và đại úy Mai Xuân Toàn, nhân viên vận động quần chúng (VĐQC) Đồn Biên phòng Xuân Thịnh nhắc lại những câu chuyện vui trong những ngày mở “con đường nghĩa tình” này vào mùa hè năm trước. Đại úy Toàn nói: “Người dân nơi đây ước mơ có một con đường đi qua vùng gò đồi này lâu lắm rồi, giờ đã làm được. Chỉ bằng sức lực con người với những công cụ thô sơ nhất, chúng tôi đã đào đá núi, mở đường”. “Con đường cũng đã cho thấy ý chí, sự nỗ lực trong công cuộc làm ăn của bà con nơi đây; thể hiện sức mạnh của tình đoàn kết quân dân. Khi cùng chung sức làm con đường này mới thấy, nghĩa tình quân dân trên mảnh đất nghèo này ấm áp lắm” - ông Quang tự hào thổ lộ.

 

Qua một đoạn trên đường vào thôn 1, chúng tôi theo một lối rẽ, gửi xe ở nhà dân rồi đi bộ về xóm núi dưới chân đèo Cù Mông. Con đường rộng hơn 3 mét, trải ra phía trước chúng tôi, ngập trong bụi đất và đá núi lởm chởm. Thi thoảng có những đoạn gập ghềnh lên xuống và băng qua những gò đất núi cao. Vậy mà, theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải Nguyễn Thành Nhân, sau khi con đường hình thành, nhiều người dân qua bên kia gò đồi để làm ăn, mở rộng sản xuất... Ông nói: “Chỉ trước mùa mưa, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe bục bịch chở nguyên vật liệu, phân bón, thức ăn qua bên đầm hay lên Gò Nứa. Nhiều hàng hóa như tôm, cua, khoai, rau quả, lương thực lại được vận chuyển từ trong núi về ngoài này để bán. Người đi xe máy ra vào suốt cả ngày, nhộn nhịp lắm”. Vừa rồi mùa mưa kéo dài, đường bị xói lở nên hư nhiều. Nay mai, thời tiết thuận lợi, bà con sẽ có phương án tu bổ bằng phẳng, có đường vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa đi lên Gò Nứa để kịp vào mùa vụ - đại úy Mai Xuân Toàn nói.

 

Với mong muốn lên tham quan các trang trại bên đồi Gò Nứa, chúng tôi phải “lội” bộ 4 cây số trên “con đường nghĩa tình” (theo cách gọi tên đường của người dân địa phương), xem như có cơ hội trải nghiệm với nỗi gian nan của những ngày các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con nơi đây bạt núi, mở đường.

 

BỪNG DẬY SỨC SỐNG MỚI

 

Băng qua khỏi một gò đất núi cao, trước mắt chúng tôi là một không gian xanh trải rộng. Một bên là đầm với hàng trăm ao đìa san sát nhau, bên kia là sườn đồi với những khu vườn, rẫy trồng chuối, khoai, rừng keo lá tràm. Thi thoảng bắt gặp những dãy chuồng trại, khu chăn nuôi và từng đàn dê, bò hàng trăm con mập tròn đang được thả trên các sườn đồi cỏ xanh non sau mùa mưa. Cả khu đất hoang hóa ngày trước chúng tôi hình dung qua lời kể của chiến sĩ biên phòng, giờ hiện ra trước mắt như một nông trường với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Ở đó còn có sự hiện diện của những ông chủ nông dân chân chất, mộc mạc mà ý chí và sự quyết đoán trong làm ăn không kém phần mạnh mẽ. 

 

Khu trang trại của ông Nguyễn Thành An ở cuối xóm, mát rượi trong màu xanh bạt ngàn của dừa, keo lá tràm, rộng gần 5ha. Trong trang trại có bốn hồ nuôi ba ba. Ông An cho biết, đã thả hơn 4.000 con giống cách đây 6 tháng, dự kiến sau khoảng 18 tháng sẽ thu hoạch. Phía sau trang trại là một khu chăn nuôi với hàng chục con heo rừng lai, bò và đàn gà, vịt hàng trăm con. Xung quanh vườn, một diện tích khá lớn trồng các loại rau, nấm rơm đem lại thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn có một vườn ươm keo lá tràm 37.000 cây. Ông An thổ lộ: “Vợ chồng tôi đã vào đây khai hoang, lập trang trại cách đây 6 - 7 năm. Song, mấy năm chưa có con đường, muốn vận chuyển hàng hóa chỉ còn mỗi cách thuê đò, chi phí rất cao nên không thể mở rộng chăn nuôi, trồng trọt như bây giờ. Sau khi có con đường, chúng tôi xây dựng nhà và bám trụ để làm trang trại, đào thêm hồ thả nuôi ba ba…

 

Theo lời giới thiệu của đại úy Mai Xuân Toàn, chúng tôi đến thăm 3 khu hồ nuôi tôm, cua xanh rộng gần 5ha của vợ chồng anh Trần Tây. Người chủ trẻ khu trang trại này hào hứng khoe: “Khi đường được mở ra, vợ chồng tôi vào đây ở luôn trong này nuôi tôm. Vụ này tôi thả 70.000-80.000 con tôm giống”. Ngoài ra, anh Tây còn đang đầu tư trồng keo lá tràm và rau màu trên 5ha. “Trước kia, mọi thứ đều phải thuê. Chi phí cho việc vận chuyển phân, giống, máy móc, nông sản bằng đò quá lớn. Ngay cả khi muốn chở một tấn vôi sát trùng cho hồ nuôi tôm cũng phải thuê đò, mất đứt 50.000 đồng. Còn bây giờ có đường, chi phí trong sản xuất thấp nên cái gì cũng muốn làm”- anh Tây nói.

 

Cùng với ông An, anh Tây, khu đất đồi hoang hóa Gò Nứa giờ đây đã có hơn 60 hộ gia đình, với trên 200 người sinh sống dựa vào mô hình VAC. “Gò Nứa bây giờ đã có 69ha nông sản và rau màu, có một đàn bò và dê gần 400 con. Thế mạnh lớn nhất vẫn là nuôi trồng thủy sản với 180ha ao đìa nuôi tôm, cua, ghẹ, cá - đại úy Mai Xuân Toàn phấn khởi cho biết thêm.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek