Thứ Ba, 08/10/2024 19:28 CH
10 năm thực hiện Chỉ thị 55 của Bộ Chính trị về bảo vệ, chăm sóc trẻ em:
Trách nhiệm của cộng đồng được nâng lên
Thứ Ba, 21/12/2010 16:00 CH

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 55-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” và chương trình hành động vì trẻ em, công tác này có những chuyển biến tốt.

 

phcn-tre101221.jpg

Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh. - Ảnh: T.THỦY

 

Sau khi có Chỉ thị 55-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 02-HD/KGTW ngày 21/7/2000 của Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra kế hoạch số 02-KH/TU và mở hội nghị triển khai thực hiện chỉ thị cho cán bộ chủ chốt toàn tỉnh.  Hàng năm, nhiều đợt truyền thông trực tiếp được tổ chức tại hơn 25-30 lượt xã, phường về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chỉ thị số 55-CT/TW và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; in ấn tái bản hàng ngàn đầu sách về Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, hàng chục ngàn tờ rơi, áp phích, xây dựng panô, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan tại các trục đường trung tâm và những điểm đông dân cư trên địa bàn tỉnh… đã làm cho các cấp, các ngành, mọi người dân có ý thức trách nhiệm ngày càng tốt hơn với sự nghiệp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em.

 

Công tác kiểm tra giám sát được tổ chức thường xuyên theo định kỳ hàng năm với sự tham gia của cơ quan được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em và các ngành, hội, đoàn thể liên quan, đồng thời tổ chức giám sát sâu theo từng chuyên đề hoặc giám sát theo từng mô hình được thống nhất từ cấp huyện đến cơ sở, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành. Tại cấp huyện, các ngành liên quan và các hội, đoàn thể đều tham gia thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.

 

Đến nay, toàn tỉnh đã làm lễ phát động xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em tại 70% số xã phường trên địa bàn và khả năng cuối năm 2010, có 40% số xã phường được công nhận với các cấp độ khác nhau. Mô hình này đã gắn kết trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể và các địa phương vào việc bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em. Bên cạnh mô hình trên, đến nay có 100% huyện, thị xã, thành phố; 55% xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Qua đó, có một số mô hình tiêu biểu như: “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” đang được nhân rộng, góp phần làm giảm từ 40-50% số trẻ em bị tử vong do tai nạn.

 

Đối với nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong các năm qua, bằng nhiều nguồn và nhiều phương pháp, các ngành, các cấp đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Toàn tỉnh có 2.598 trẻ em được trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng với mức trợ cấp từ 120.000 đến 240.000 đồng/tháng. Ngoài ra, trẻ em khuyết tật được phẫu thuật nụ cười, phẫu thuật chỉnh hình, luyện tập phục hồi chức năng. Từ năm 2004-2010, chính phủ đã ban hành Quyết định 19 để can thiệp và trợ giúp cho 3 nhóm đối tượng thuộc nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm để góp phần bảo vệ trẻ em.

 

Trong giai đoạn 2011-2020, để triển khai thực hiện các mục tiêu vì trẻ em đạt hiệu quả cao, Nhà nước cần xây dựng và tổ chức thực hiện các quyền của trẻ em theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia. Cần bổ sung và điều chỉnh Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành vào năm 2004 theo hướng tăng cường các hình phạt gắn với các điều cấm không được làm đối với trẻ em, bổ sung một số đối tượng khác vào điều quy định các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: trẻ em có gia đình ly hôn, trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị mua bán, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Chính phủ cần quan tâm đến việc bố trí đội ngũ cán bộ làm cộng tác viên công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cấp xã, phường và thôn, buôn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cho vùng núi, vùng khó khăn nhằm hạn chế sự cách biệt giữa các vùng, miền trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tăng đầu tư kinh phí cho việc xây dựng các khu vui chơi, văn hóa dành riêng cho trẻ.

 

Đến cuối năm 2009 các chỉ tiêu bảo đảm thực hiện quyền cơ bản của trẻ em được thực hiện đầy đủ. Cụ thể, trên 95% trẻ em được khai đúng hạn; giảm tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi/1.000 trẻ sinh ra sống từ 30%o năm 2000 xuống còn 25%o vào năm 2005 và 20%o vào năm 2010; giảm tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1000 trẻ đẻ sống từ 45%o năm 2000 xuống còn 37%o vào năm 2005 và 30%o vào năm 2010; hạ thấp tỉ lệ suy dinh dưỡng; cấp phát thẻ và tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6  tuổi tại các cơ sở y tế công lập, cơ bản đảm bảo quyền được khám chữa bệnh ở trẻ em. Hiện các trạm y tế cấp xã đều tổ chức khám chữa bệnh ban đầu và đã cấp 78.672 thẻ bảo hiểm y tế; khám, sàng lọc cho 852 trẻ em khuyết tật, hỗ trợ phục hồi chức năng cho 220 em khuyết tật.

 

Trẻ em 5 tuổi đến trường mẫu giáo đạt 98,8%, số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt gần 100%, trẻ em vào lớp 6 đạt 99,8%. Tỉnh Phú Yên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2009; có 9/130 trường mẫu giáo, 50/169 trường tiểu học, 23/100 trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2009, toàn tỉnh có 6/9 huyện, thành phố, thị xã có nhà văn hóa thiếu nhi. Theo báo cáo chưa đầy đủ, đến nay có 16/112 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em và 64/112 xã, phường, thị trấn có quy hoạch đất dành cho điểm vui chơi giải trí trẻ em.

  

PHẠM THỊ TƯƠNG LAI

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek