Thứ Tư, 09/10/2024 09:23 SA
Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên Trần Văn Đài:
Khuyến khích người nhiễm HIV/AIDS chủ động hòa nhập cộng đồng
Thứ Tư, 01/12/2010 10:00 SA

Thời gian qua, dù còn đối mặt với nhiều khó khăn song công tác phòng chống HIV/AIDS ở Phú Yên đã đạt được một số kết quả khả quan, đặc biệt là trong điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” ở 100% xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, làm thế nào để tất cả người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và dự phòng lây nhiễm vẫn là một bài toán khó.

 

BS-Dat101201.jpg

Chăm sóc bệnh nhân AIDS. - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Báo Phú Yên đã phỏng vấn bác sĩ Trần Văn Đài, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên xoay quanh vấn đề trên.

 

* Thời gian qua, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên đã làm những gì để xóa bỏ rào cản về phân biệt đối xử với người nhiễm  HIV/AIDS, thưa bác sĩ?

 

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nhưng phổ biến là do đặc điểm của việc nhiễm HIV, chủ yếu lây qua đường máu và tình dục, trong khi chưa có thuốc điều trị và vaccin phòng bệnh, nên nhiều người lo sợ khi tiếp xúc với người nhiễm HIV; do thiếu hiểu biết hoặc hiểu không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS; do đặc điểm tâm lý xã hội, kỳ thị phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, mại dâm, người mắc bệnh hoa liễu, liên quan đến cái xấu; do sự bất bình đẳng về giới.

 

Khi bị nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ thường ít được thông cảm hơn nam giới, họ bị lên án nhiều hơn và do đó cũng bị kỳ thị, phân biệt đối xử nhiều hơn.

 

Thời gian qua, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên đã triển khai một số giải pháp chống kỳ thị và phân biệt đối xử, như: nâng cao nhận thức, kiến thức chung cho cộng đồng về HIV/AIDS; tập trung giải thích cho cộng đồng xã hội hiểu về khả năng lây truyền HIV và giải thích tại sao HIV không lây truyền qua tiếp xúc thông thường; truyền thông giải thích tác hại của sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh tác hại đến cộng đồng, với sự phát triển kinh tế, xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn; đa dạng hóa các tài liệu, phương pháp truyền thông, lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS, không xem nhiễm HIV là tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV là  người có lỗi. Hoạt động giáo dục pháp luật về HIV/AIDS cũng được tiến hành, trong đó nhấn mạnh các quy định về chống kỳ thị và phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, trung tâm tăng cường và mở rộng các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV và gia đình họ; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, hình ảnh tích cực của người nhiễm HIV, cải thiện hình ảnh của họ, tiến tới “bình thường hóa” sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông có sự tham gia của người nhiễm HIV và động viên, khuyến khích người nhiễm HIV chủ động, tích cực làm những việc có thể cho gia đình, xã hội, chủ động hòa nhập cộng đồng.

 

* Việc tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS được thực hiện như thế nào?

 

- Trong thời gian qua, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên thực hiện tốt hoạt động này. Trung tâm cung cấp thông tin về HIV/AIDS cho người nhiễm, tư vấn, hỗ trợ, động viên an ủi, giúp đỡ tinh thần để họ nhìn nhận  tích cực hơn về cuộc sống bản thân mình, đồng thời khám sức khỏe, phân loại để chăm sóc điều trị.

 

Hiện tại, trung tâm đang điều trị ARV cho 21 người nhiễm HIV/AIDS, một số trường hợp có kết quả rất khả quan, số còn lại sức khỏe đều ổn định. Nhưng quan trọng hơn, tất cả người nhiễm đều có tinh thần lạc quan, tích cực trong cuộc sống, hòa nhập dần vào cộng đồng, sống có ý nghĩa, làm việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

 

* Theo ông, cơ quan chức năng đã đáp ứng như thế nào trước nhu cầu cấp thiết về tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có nhu cầu, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương?

 

- Sự thành công bước đầu trong công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại Phú Yên là nhờ có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hoạt động này đòi hỏi các cơ quan chức năng đầu tư nhiều hơn và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên phải nỗ lực hơn để đảm bảo các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có nhu cầu, đặc biệt là nhóm người dễ tổn thương.

 

Hiện tại, trung tâm đang điều trị miễn phí cho bệnh nhân từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia; thuốc điều trị ARV thì đảm bảo, song thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội thì không đáp ứng đủ, người bệnh phải lo. Người bệnh đa phần đều nghèo, lại phải điều trị suốt đời, vì vậy đây là gánh nặng cho gia đình bệnh nhân, về lâu dài họ không thể tiếp cận với dịch vụ hiện có. Ngoài ra, sự đầu tư về nhân lực và trang thiết bị tại trung tâm cũng chưa đảm bảo để thực hiện các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

 

* Trong thời gian tới, cần phải làm gì để việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và dự phòng lây nhiễm HIV dễ dàng, thuận tiện hơn, thưa bác sĩ?

 

- Phú Yên không phải là tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS, nguồn kinh phí đầu tư từ Trung ương có giới hạn. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, đòi hỏi công tác phòng chống HIV/AIDS phải được đầu tư về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị... để đáp ứng phần nào các hoạt động phòng chống AIDS, nhất là các dịch vụ y tế phục vụ bệnh nhân.

 

Trung tâm mong các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ từ nguồn kinh phí địa phương cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS và có chế độ hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS theo tháng hoặc quý. Đây là một hình thức xóa đói giảm nghèo và cũng là hoạt động phòng chống AIDS có hiệu quả. Các cơ quan chuyên môn phòng chống AIDS ở các tuyến phải nâng cao chất lượng chuyên môn và thực hiện tốt 12 điều y đức mà Bộ Y tế quy định khi tiếp xúc với người bệnh. Có như vậy, các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và dự phòng lây nhiễm HIV sẽ được thực hiện tốt hơn, người bệnh có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế thuận tiện, dễ dàng hơn.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek