Thứ Tư, 09/10/2024 21:20 CH
Xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân):
Lũ kéo dài, dân kiệt sức
Thứ Năm, 25/11/2010 13:18 CH

Hơn nửa tháng bị nước lũ bao vây, hàng trăm gia đình ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) phải sống trong tình cảnh cơm không đủ ăn, nước không đủ uống. Họ chia sẻ nhau từng bát gạo, muổng mắm, mẩu cá khô và mong sao nước rút để ổn định cuộc sống.

 

giuong101125.jpg

Nước dâng cao, anh Lê Văn Trung ở xóm Cầu treo giường lơ lửng sát nóc nhà để ở  – Ảnh: P.NAM

 

TÌNH LÀNG TRONG KHỐN KHÓ

 

Theo Ban chỉ huy PCLB - TKCN huyện Đồng Xuân, trong đợt lũ vừa qua, toàn huyện có hơn 500 giếng đào bị ngập nước, trong đó xã Xuân Sơn Nam và Xuân Sơn Bắc chiếm gần 80 giếng. Sau lũ, địa phương đã phối hợp với ngành Y tế xử lý giếng ngập nước, chống nhiễm bẩn, phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường.

Sau đợt mưa lớn, các con đường ở thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam vẫn còn nhầy nhụa bùn đất, ngổn ngang xác động, thực vật. Trong các ngôi nhà cũ kỹ, nỗi nhọc nhằn, mệt mỏi thể hiện rõ trên nét mặt từng người. Vừa dọn đồ đạc, anh Nguyễn Ngọc Tân ở xóm Eo Tre, thôn Tân Hòa bảo: “Năm trước, tuy nước lũ dâng cao nhưng rút nhanh, còn năm nay, trong vòng nửa tháng, gia đình phải chạy lũ đến 4 lần, trú nhờ nhà người thân trên núi. Vì không lường trước được lũ kéo dài nên lương thực, thực phẩm dự trữ không đủ, toàn  thôn bị nước lũ phong tỏa và chảy xiết nên không thể ra vào được”.

 

Cách xóm Eo Tre chừng 500m, gần 100 hộ dân xóm Cầu cũng rơi vào cảnh khốn. Nhiều gia đình phải sống nhờ vào sự cưu mang của hàng xóm. Chị Đặng Thị Kim Nhung, người mất nhà trong đợt lũ hồi cuối năm 2009 nói trong nghẹn ngào: “Cứ tưởng nước lũ kéo dài nhiều lắm là một tuần, ai dè hơn nửa tháng, nước ngập nhà gần 1m. Trong nhà chỉ có 20kg gạo, vài ký cá mặn và một lít nước mắm. Tiết kiệm lắm cũng chỉ đến ngày thứ 10 là hết, hai mẹ con phải liều mình bơi xuồng hơn 500m lên núi Một nhờ cha mẹ hỗ trợ. Trong khi đó, chồng tôi phải ngủ trên giường treo lơ lửng để giữ nhà và sống dựa vào hàng xóm”.

 

Nhà anh Nguyễn Ngọc Thông ngập trong nước lũ hơn 2,5m, gần đến nóc nhà. Anh Thông than thở: “Lũ trước chưa tan, lũ sau lại ập đến. Nhà 4 người phải nhường nhịn từng bát cơm, con cá mặn. Toàn bộ sinh hoạt của gia đình gói gọn chiếc gường treo bằng 4 sợi dây thừng mong manh, cách nóc nhà hơn 1m, ráng đến đợt lũ cuối cùng nhưng đuối hơi. Cả nhà phải bơi xuồng đến Trường tiểu học Tân Hòa sinh sống nhờ vào sự cưu mang của cha mẹ và bà con thân thuộc”. Theo Trưởng thôn Tân Hòa Nguyễn Văn Tá, thôn có hơn 465 hộ, trong đó có 95 hộ nghèo, trong lũ tất cả đều bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Nhờ tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau trong khốn khó nên tuy bị cô lập dài ngày nhưng bà con đã cố gắng vượt qua.

 

NHỌC NHẰN MƯU SINH

 

Xóm Eo Tre có khoảng 70 hộ, bình quân mỗi hộ có từ 1 - 2 sào ruộng. Những lúc nông nhàn, mọi người thường đi làm thuê kiếm sống. Anh Nguyễn Ngọc Tân, nhà có 3 người rầu rĩ: “Gia đình chỉ có một sào ruộng, được mùa cũng chỉ đủ ăn, toàn bộ trang trải trong sinh hoạt phải nhờ vào những đồng tiền làm thuê. Lũ dồn dập nhiều ngày đã làm cho kinh tế gia đình vốn túng thiếu, giờ lâm vào kiệt quệ. Nước vừa rút, tôi phải thả câu kiếm từng con cá đem bán mua gạo và thức ăn nuôi sống cả nhà cầm chừng chờ kiếm việc làm thuê”. Tương tự, nhà chị Đặng Thị Kim Nhung ở xóm Cầu, thôn Tân Hòa cũng lâm vào cảnh bế tắc. Chị tâm sự: “Nhà tôi có 3 người, 1 sào lúa thổ thu hoạch được 5 bao, trong lũ đã thiếu ăn, giờ càng thêm bi đát. Không nghề nghiệp, lại chẳng ai thuê mướn gì, hằng ngày hai vợ chồng chỉ còn cách ngồi chờ có người kêu đi làm thuê”.

 

Sau lũ, phần lớn người dân thôn Tân Hòa phải sống nhờ vào những chiếc xuồng câu. Trên cánh đồng trũng, đọng nước bởi mưa lũ, hàng chục con thuyền mong manh, chông chênh trên mặt nước như những phận người sau lũ ở vùng quê nghèo Xuân Sơn Nam. Lũ rút, người dân nơi đây còn thiếu nước sạch trầm trọng. Gần như tất cả các giếng nước trong xóm đều bị ô nhiễm bởi bùn đất, nhiều hộ phải đi lấy nước cách xa hàng cây số về dùng. Anh Phan Đình Phong, công nhân Công ty đường sắt 303 cho biết: “Tôi phải tranh thủ vừa đi làm vừa xin nước về uống, còn tắm giặt thì phải dùng nước giếng tại chỗ vì không còn cách nào khác”.

 

Ông Nguyễn Lý Nguyên - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCLB - TKCN huyện Đồng Xuân cho biết, huyện đã có kế hoạch đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho hai thôn Tân Hòa và Tân Long.  Do chưa có kinh phí nên công trình chưa thể thực hiện được.

 

PHƯƠNG NAM - TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người lao động, doanh nghiệp cùng có lợi
Thứ Năm, 25/11/2010 07:18 SA
Ông Long vì người nghèo
Thứ Tư, 24/11/2010 18:00 CH
Một nữ cán bộ hội năng động
Thứ Tư, 24/11/2010 14:30 CH
Học cách “giữ lửa” cho mái ấm
Thứ Tư, 24/11/2010 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek