Thứ Tư, 02/10/2024 09:38 SA
Nghiên cứu tác động của bão đối với khu vực Trung Trung Bộ
Thứ Hai, 08/11/2010 10:00 SA

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong 5 ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên phải đối mặt với các loại thiên tai. Đặc biệt, các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ có bờ biển dài khoảng 1.200km là phải chịu tác động thường xuyên của bão lũ hơn cả và bị thiệt hại nặng nề.

 

bao101108.jpg

Bão số 9 (tháng 11/2009) hất văng xe và người đi trên đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa) - Ảnh: Đ.THÔNG

 

Mới đây, nhất là trận mưa, lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10 ở khu vực Bắc miền Trung, rồi lũ nặng ở Nam Trung Bộ đầu tháng 11 làm hàng trăm người chết và gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Do đó, việc phòng chống hiệu quả đối với thiên tai để giảm nhẹ tổn thất về người, cũng như giảm tổn thất đối với một số cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực này là vô cùng cấp thiết. Đó cũng là một trong những mục tiêu đặt ra trong đề tài cấp bộ: “Nghiên cứu tác động của bão và các hiện tượng kèm theo đối với hệ thống cầu cảng, khu neo đậu tàu thuyền và khu nuôi trồng thủy sản tập trung ở Trung Trung Bộ”.

 

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Đức Toàn, Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, chủ nhiệm đề tài, cho biết đề tài này được thực hiện trong 2 năm (2008-2009), tập trung vào 3 nội dung nghiên cứu là: điều tra thu thập số liệu, đánh giá thiệt hại và ảnh hưởng của bão đối với hệ thống cầu cảng, khu neo đậu tàu thuyền và khu nuôi trồng thủy sản tập trung; ứng dụng một số mô hình tính toán, dự báo sóng nước dâng do bão và đề xuất một số giải pháp góp phần phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Khu vực Trung Trung Bộ đã hình thành và được Nhà nước đầu tư xây dựng 29 cảng cá, 33 khu vực neo đậu tàu thuyền và hàng trăm bến cá lớn nhỏ, nuôi trồng thủy sản có tốc độ phát triển mạnh nhưng kém bền vững do chịu tác động của thiên tai. Hoạt động sản xuất thủy sản (trong đó có khu vực neo đậu tàu thuyền nghề cá và nuôi trồng thủy sản ven biển…) là những hoạt động mang tính rủi ro rất cao, những thiệt hại về người và tài sản do bão trong lĩnh vực thủy sản cực kỳ to lớn.

 

Trong quá trình thực hiện, đề tài áp dụng các phương pháp điều tra, thu thập và xử lý số liệu, sử dụng các mô hình tính toán, dự báo phổ biến nhất hiện nay trên thế giới như mô hình WAM, SWAN, Delft3D-Flow… Kết quả tính toán bằng mô hình cho các kịch bản bão khác nhau đã chỉ ra, ngoài gió mạnh, mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới còn gây tác động mạnh đến vùng ven biển miền Trung. Hàng năm, miền Trung hứng chịu khoảng 3-4 cơn bão. Những năm gần đây, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ vào miền Trung tăng lên và xuất hiện nhiều cơn bão mạnh trên cấp 11. Với bão cấp 10 trở lên, độ cao sóng ở khu vực gần tâm bão đi qua thường trong khoảng 6-7m, có nơi 11m. Khi bão đổ bộ thường kèm theo nước dâng, kết quả tính toán cho thấy nước dâng do bão cao nhất là khu vực Quảng Bình - Đà Nẵng (từ 170-300cm). Dưới tác động của sóng, thủy triều, khu vực ven biển có thể bị ngập lụt với diện tích lớn, đề tài đã chỉ ra kết quả chi tiết cho 5 khu vực ven biển Trung Bộ.

 

Ngoài ra, đề tài đã phân tích và đề xuất những giải pháp, biện pháp công trình phòng tránh tác động của bão, lũ cho 5 khu vực trọng điểm từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Đề tài cũng đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất được 5 nhóm giải pháp về khoa học và công nghệ, biện pháp công trình phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do sóng và nước dâng do bão đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên đầm phà; đề xuất một số yêu cầu về kỹ thuật - công trình đối với cảng cá, bến cá và một số khu vực neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão khu vực cửa sông toàn dải ven biển.

 

Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học quan trọng phục vụ công tác phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai đối với các địa phương và khu vực ven biển miền Trung.

 

Qua tổng kết công tác phòng chống lụt bão của ngành thủy sản và các địa phương, đề tài đã đề xuất một số giải pháp khác về quy hoạch, quản lý, tổ chức lực lượng và triển khai hoạt động phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiệt hại và khắc phục hậu quả do bão và các hiện tượng kèm theo đối với thực tế sản xuất thủy sản và nông nghiệp, đặc biệt là đối với một số khu vực neo đậu tàu thuyền nghề cá và cơ sở vật chất của nghề nuôi thủy sản ven biển miền Trung.

 

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài và thực tế bão lũ thời gian qua, nhóm tác giả đã đưa ra một số kiến nghị: Căn cứ vào điều kiện tự nhiên và thực trạng công tác phòng chống bão lũ, các địa phương ven biển Trung Trung Bộ cần có kế hoạch phối hợp triển khai, ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài, kết hợp với những kết quả nghiên cứu lũ, lụt trên các sông, suối, hồ đập... để xây dựng hệ thống quản lý, chủ động đối phó với thiên tai. Đặc biệt, tại những vùng đã có nghiên cứu về ngập lụt do bão, cần lập các bản đồ chi tiết về tác động của sóng, nước dâng do bão, ảnh hưởng của lũ lụt, sạt lở đất và bồi đắp cửa sông ven biển, xem đây là vấn đề trọng tâm trong công tác quy hoạch phát triển và lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất thủy sản tại các địa phương. Các tác giả cũng đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép mở rộng phạm vi nghiên cứu (nghiên cứu các hiện tượng kèm theo trong bão kết hợp với các đặc tính của mưa lũ, đặc điểm địa hình, chế độ thủy văn từng vùng...) để có được những thông tin, số liệu cơ sở khoa học toàn diện và chi tiết, phục vụ hiệu quả hơn nữa cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra với vùng ven biển Việt Nam.

 

HỒNG NINH

(Theo TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek