Những ngày qua, cùng với chính quyền địa phương, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh luôn bám sát địa bàn, nỗ lực giúp dân ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong mưa lũ.
Lực lượng TNVCTĐ chốt chặn các vùng nước lũ nguy hiểm.
Ông Lê Thế Minh, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Phú Yên cho biết: “Tỉnh Hội liên tục đi thị sát và chỉ đạo cho hội CTĐ các huyện, xã, đặc biệt là những địa bàn xung yếu huy động toàn bộ lực lượng thanh niên CTĐ xung kích và tình nguyện viên CTĐ giúp dân sơ tán, di dời tài sản và ứng cứu để giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản”.
Đến sáng 5/11, lũ đã rút dần nhưng cầu Lò Gốm nối thị trấn Chí Thạnh với xã An Thạch và các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây vẫn còn ngập trong nước gần 1m. Hội CTĐ xã đã cử 6 người trong đội thanh niên CTĐ xung kích chốt tại cầu để giúp người dân qua lại an toàn. Trong những ngày mưa lũ lớn, lực lượng này đã tổ chức đưa hai bệnh nhân vượt cầu Lò Gốm đến bệnh viện cấp cứu, điều trị. Hiện hơn 300 hộ dân ở hai thôn Hà Yến, Hội Tín (xã An Thạch) vẫn còn bị cô lập. Lực lượng tình nguyện viên ở hai thôn này và đội thanh niên CTĐ xung kích tiếp tục sơ tán những hộ có nhà cửa bị ngập sâu trong nước lũ đến những gia đình có vị trí cao hơn. Hội CTĐ xã An Thạch cũng đã vận động những bà con trong khu dân cư giúp gạo, mì gói, nước và các nhu yếu phẩm khác cho những hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt. Ông Trương Ngọc Kiên, Chủ tịch Hội CTĐ xã An Thạch (huyện Tuy An), cho hay: “Mấy ngày qua, Hội CTĐ xã đã phân công 24 thành viên trong Đội thanh niên CTĐ xung kích và 4 tổ tình nguyện viên CTĐ ở các thôn Quảng Đức, Hà Yến, Phú Thịnh, Hội Tín giúp sơ tán trên 100 hộ dân ở các địa bàn xung yếu lên tạm trú ở núi Lò Dầu, chùa Châu Lâm, núi Một và trụ sở xã. Hội CTĐ xã đã trang bị 28 áo phao và 30 phao cứu sinh của Hội CTĐ Na Uy cho lực lượng cứu hộ để ứng cứu người dân ở 2 thôn Quảng Đức, Hà Yến nằm ven sông Ngân Sơn”.
Tính đến chiều 5/11, lũ đã rút nhưng đời sống của bà con ở các thôn Cảnh Tịnh, Mỹ Cảnh, Mỹ Xuân (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nước sạch, lương thực, thực phẩm. Vì thế, lực lượng thanh niên CTĐ xung kích, tình nguyện viên lại tiếp tục giúp bà con khắc phục hậu quả lũ lụt, thu dọn vệ sinh, hướng dẫn biện pháp xử lý nước, giữ vệ sinh môi trường, chôn xác súc vật… kịp thời hạn chế tối đa dịch bệnh lan rộng sau khi rũ lút. Ông Nguyễn Thành Kha, Chủ tịch Hội CTĐ xã Hòa Thịnh cho biết: “Trong mùa mưa lũ, chúng tôi đã phân công các thành viên đội thanh niên CTĐ xung kích chốt chặn ở những vùng trũng thấp, nước xoáy như cầu Bến Củi, cầu Ga sông Đào, bờ tràn Bà Chín Lý túc trực thường xuyên để kịp thời hỗ trợ người dân khi có sự cố do lũ lụt gây ra...”.
Hiện có hơn 1.000 hộ dân ở các thôn Hiệp Đồng, Thạch Tuân 1, Thạch Tuân 2 của xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) vẫn còn bị cô lập vì nước lũ. Chị Nguyễn Thị Tàu, Chủ tịch Hội CTĐ xã Hòa Xuân Đông cho biết: “Chúng tôi đã bố trí lực lượng thanh niên CTĐ xung kích ứng trực tại các vùng xung yếu để xử lý sự cố khi có tình huống xấu xảy ra. Hội đã dùng 2 chiếc xuồng máy của Hội CTĐ Na Uy hỗ trợ để sơ tán người dân ở những vùng bị ngập nặng đến nơi an toàn”.
NGỌC DUNG