“Khi tỉnh dậy và trồi được đầu lên khỏi làn nước biển, giữa sóng gió thét gầm, tôi nghe tiếng kêu cứu đứt quãng của Trọng. Chộp được hai can nhựa đang trôi, tôi ném cho Trọng một cái, thét lớn bảo em cố bám vào cái can. Nhưng sóng quá lớn, đánh dạt hai anh em mỗi người một nơi...”.
Anh Nguyễn Văn Sang với những vết xây xát trên đầu, cổ, mắt sau khi bị sóng lớn đánh vào gành đá (ảnh nhỏ) và một tấm ván của chiếc tàu bị nạn bị sóng đưa lên bờ biển Bãi Tiên (ảnh lớn) - Ảnh: N.HÒA
Như Báo Phú Yên đã thông tin, khuya 23/10, tàu BĐ 10672-TS hành nghề giã cào trên vùng biển Phú Yên bị sóng lớn đánh chìm, vỡ nát. Hai trong số ba ngư dân là anh em ruột đi trên tàu bị mất tích, người sống sót duy nhất là anh Nguyễn Văn Sang, 30 tuổi.
Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Sang khi anh vừa trở về nhà trọ ở thôn Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) sau khi được chăm sóc y tế ở Trạm xá xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa. Trên người ngư dân trẻ này đầy những vết trầy xước ở mắt, cổ, tay, chân… nhưng không nghiêm trọng lắm.
Cho đến chiều qua (24/10), thiếu tá Trịnh Đình Bá, đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa), cho biết vẫn chưa tìm được xác của hai ngư dân Trọng và Thành. Lực lượng gồm 20 cán bộ, chiến sĩ của đồn tiếp tục đi dọc bờ biển, quan sát để tìm kiếm các nạn nhân.
Với vẻ mặt chưa hết nỗi bàng hoàng, anh Sang cho biết, như thường lệ khoảng 2g30 sáng 23/10, anh cùng hai em ruột là Nguyễn Văn Trọng (26 tuổi) và Nguyễn Duy Thành (17 tuổi), cùng quê ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), thuê nhà tạm trú tại thôn Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa), lên chiếc tàu BĐ 10672-TS công suất 360 mã lực của gia đình đi hành nghề giã cào dọc bờ biển tỉnh Phú Yên về hướng bắc. Anh Sang kể: “Tôi là thuyền trưởng nhưng giao Trọng cầm lái. Tôi làm nghề này hơn 10 năm, Trọng cũng hơn 7 năm rồi, sóng lần này cũng tương đối lớn làm chiếc tàu chao lắc nhưng không đáng kể so với nhiều lần ra khơi khác của anh em tôi. Khoảng 4g30 sáng, khi tôi và Thành đang nằm ngủ trong khoang thì thình lình, tôi nghe một tiếng ầm lớn, chiếc tàu lật úp. Tôi tỉnh ngủ khi đã nằm sâu dưới nước. Tôi vùng vẫy ngoi lên mặt biển, giữa sóng gió thét gầm, chỉ nghe được tiếng Trọng kêu đứt quãng: “Anh Hai ơi, cứu em!”, còn Thành thì không biết ở nơi nào. Giữa đêm tối mịt mù, trong làn nước lạnh tê buốt người, bị sóng lớn nhồi lên dập xuống, tôi kịp vớ được hai chiếc can nhựa. Ném về phía Trọng một cái, tôi thét lớn: “Cố bám. Nương theo sóng mà vô bờ”. Sóng cắt đứt tiếng gào của tôi, đánh dạt hai anh em mỗi người một hướng.
Tôi nhìn theo hướng đèn chớp của Mũi Điện, ước lượng khoảng cách chiếc tàu bị đánh chìm cách bờ khoảng 400-500m gì đó thôi. Tôi ráng bơi về hướng Mũi Điện, hy vọng là Trọng cũng sẽ vào. Cuối cùng, không thể cưỡng lại sóng lớn, tôi không quẫy đạp nữa, để mặc sóng xô đẩy. Đến gần 5g sáng, một con sóng lớn đánh tôi văng lên gành đá gần Bãi Tiên (thuộc xã Hòa Tâm - PV). Khoảng 30 phút sau, có hai người dân địa phương phát hiện, đưa tôi vào cấp cứu ở Trạm xá xã Hòa Tâm và báo cho bộ đội biên phòng”. Sang rơi nước mắt nói: “Hai đứa em tôi chắc mất rồi…”.
Hai ngày đêm qua, khi biết tin ba đứa con trai bị nạn mà chỉ còn một sống sót trở về, bà Nguyễn Thị Bạo, 50 tuổi gần như không còn nước mắt để khóc. Đôi mắt bà thất thần. Bà quỳ mọp trước biển Bãi Tiên, cầu trời khấn phật mong tìm được xác hai đứa con trai xấu số.
Biển Bãi Tiên vẫn ầm ào với những cột sóng bạc đầu. Trên bờ, những mảnh gỗ của con tàu xấu số lần lượt bị sóng đánh dạt lên cát. Đông đảo người dân địa phương và những người thân trong gia đình tập trung ở vùng biển này, hy vọng tìm ra tông tích của hai ngư dân trẻ.
NGUYÊN HÒA