Nhờ có Đề án 52 mà công tác dân số vùng biển, đảo và ven biển ở Phú Yên phát triển nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp người dân hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ.
Người dân vùng biển TX Sông Cầu được tư vấn chăm sóc SKSS - KHHGĐ trong Đề án 52 - Ảnh: M.KIÊN
Mặc dù phụ cấp còn thấp nhưng với lòng nhiệt huyết và trách nhiệm, các cộng tác viên dân số đã bám sát địa bàn, nắm chắc những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền vận động họ thực hiện tốt công tác dân số. Chị Lương Thị Mỹ Nữ, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) cho biết: Trong thời gian thực hiện Đề án 52, việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng biển trở nên dễ dàng hơn, những dịch vụ cung cấp cho bà con cũng đầy đủ hơn. Còn Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) huyện Tuy An Lê Minh Thi, chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của UBND huyện, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, Đề án 52 được triển khai mạnh mẽ, đáp ứng mong muốn của các ngư dân. 8/8 xã vùng biển của huyện chỉ trong một tháng ra quân truyền thông, tư vấn làm dịch vụ nhân Ngày Dân số thế giới đã có 4.213 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt và vượt kế hoạch; 13 ca đình sản, vượt kế hoạch 5 ca…
Bên cạnh tăng cường đào tạo đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở, Đề án 52 còn đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị và xây dựng những mô hình thiết thực cho công tác dân số biển. Chẳng hạn, thành lập các đội lưu động y tế - KHHGĐ để tư vấn, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các xã biển, ven biển có người lao động nhập cư. Ngoài ra, các hoạt động khác như nâng cao chất lượng dân số khi sinh, hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn… cũng được tiến hành ở các địa phương thuộc địa bàn triển khai đề án này. Những hoạt động này không chỉ thu hút phụ nữ mà nhiều nam giới cũng vui vẻ, tạo điều kiện cho vợ được tham gia. Anh Lê Hòa An ở TP Tuy Hòa cho biết: “Nhờ các chị làm công tác dân số thường xuyên vận động tham gia các mô hình từ Đề án 52 mà tôi hiểu được lợi ích của việc sinh ít con. Tôi động viên vợ đi đặt vòng, khi nào con trai đầu đi mẫu giáo thì mới sinh đứa thứ hai”.
Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Phú Yên, cho biết: “Để nâng cao chất lượng dân số vùng biển của tỉnh, chi cục vừa phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nâng cao kỹ thuật về sàng lọc dị tật bẩm sinh ở bà mẹ mang thai cho cán bộ làm công tác dân số vùng biển. Trong thời gian đến, các đội truyền thông lưu động sẽ được trang bị máy siêu âm xách tay để phát hiện kịp thời nhiều bệnh cho người dân ở những vùng này. Trong các bước tiếp theo, đề án sẽ được triển khai rộng hơn với mục tiêu kiểm soát quy mô chăm sóc, nâng cao chất lượng dân số, tiến tới thực hiện gia đình ít con, mạnh khỏe, duy trì mức sinh thay thế một cách bền vững ở vùng biển, đảo và ven biển”.
MAI KIÊN