Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động Ngày vì người nghèo (17/10/2000-17/10/2010), tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ hàng chục ngàn hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội về kết quả giảm nghèo của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Lãng cho biết:
Xây dựng giếng nước sinh hoạt cho đồng bào huyện Sông Hinh - Ảnh: K.CHI |
Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010: - Tổng số hộ nghèo đầu năm 2006: 36.097 hộ, tỉ lệ hộ nghèo 19,30%. - Tổng số hộ vượt nghèo từ năm 2006-2010: 32.083 hộ. - Tổng số hộ tái nghèo từ năm 2006-2010: 17.241 hộ. - Tổng số hộ nghèo cuối năm 2010: 21.255 hộ. - Tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2010 (theo chuẩn cũ): 9,0% (giảm 10,3%) đạt 100% kế hoạch đề ra.
Giảm nghèo là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững gắn với bảo đảm công bằng xã hội. Cùng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thành tựu giảm nghèo đạt được trong thời gian qua đã góp phần ổn định xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Trong 5 năm trở lại đây, những thành tựu mà chúng ta đạt được trong công tác giảm nghèo là hết sức to lớn, số hộ nghèo giảm hơn 30.000 hộ. Nhận thức, trách nhiệm về giảm nghèo được nâng cao ở các cấp, các ngành và mọi người dân. Nhiều tấm gương quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu xuất hiện ở hầu hết các địa phương. Người nghèo ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ sản xuất để tăng thu nhập, giảm nghèo, như vay vốn tín dụng phát triển sản xuất, khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cũng ngày càng bình đẳng hơn, đặc biệt là về giáo dục, y tế, nước sạch và nhà ở. Nguy cơ rủi ro đối với người dân nói chung, nhóm hộ nghèo nói riêng ngày càng giảm do nhận thức, năng lực của họ được nâng cao và hệ thống an sinh xã hội ngày càng phát triển.
* Kết quả có được là nhờ đâu, thưa đồng chí?
- Trước tiên, phải kể đến hàng loạt chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở các địa phương với nhiều nguồn kinh phí đã cải thiện đáng kể diện mạo ở các địa phương, như: nhờ có sự kết hợp gắn giải ngân vốn tín dụng với tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề cho người nghèo, phần đông hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và bước đầu có kết quả. Qua đó, hàng ngàn hộ nghèo có điều kiện tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, hàng ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập, giảm áp lực đè nặng trên vai người nghèo, tạo điều kiện cho con em hộ nghèo có điều kiện đi học, tìm kiếm việc làm và vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ BYHT cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ giáo dục cho học sinh nghèo; dự án khuyến nông - lâm - ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất; công tác dạy nghề và tạo việc làm… cũng mang lại kết quả đáng kể. Nhờ đó, tình trạng nghèo đói, thiếu ăn kinh niên ở nhiều vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã chấm dứt. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 19,30% (năm 2006) xuống còn 9% (dự kiến đến cuối năm 2010). Chất lượng cuộc sống hộ nghèo được cải thiện rõ nét.
* Tuy số hộ nghèo giảm, nhưng tỉ lệ tái nghèo vẫn cao. Làm thế nào để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, thưa đồng chí?
- Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, chương trình giảm nghèo còn những hạn chế, bất cập. Một bộ phận không nhỏ người nghèo, xã nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Một bộ phận người nghèo chưa tiếp cận được các chính sách của địa phương. Thành tựu xóa đói giảm nghèo cũng chưa thực sự bền vững; tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn cao. Nguồn lực huy động cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo thiếu và yếu về năng lực...
Vì thế, chương trình quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010 giảm hộ nghèo xuống còn 9%, chúng ta dự kiến đạt và vượt chỉ tiêu. Trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục tham mưu Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các chỉ tiêu cụ thể. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả hơn, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, từ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm giảm nghèo trong các cấp, các ngành, khơi dậy ý chí, quyết tâm vượt nghèo, vươn lên làm giàu của người dân đến đa dạng hóa các nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và vận động quốc tế. Hằng năm, Nhà nước cũng cần cân đối một tỉ lệ nhất định cho chương trình giảm nghèo, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và dự án cụ thể, đặc biệt quan tâm đến cơ chế dân chủ cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân, phát huy vai trò tham gia, giám sát của các tổ chức đoàn thể. Việc quản lý và điều hành cũng cần phải chặt chẽ, quyết liệt hơn, chú trọng kiện toàn về tổ chức và tăng cường cán bộ có năng lực, nhiệt huyết cho công tác giảm nghèo, đặc biệt là cán bộ cấp xã. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nghèo, xã nghèo và nhận người nghèo vào làm việc.
* Xin cảm ơn đồng chí!
KIM CHI (thực hiện)