Thứ Năm, 28/11/2024 18:02 CH
Thực hiện KHHGĐ trong đồng bào dân tộc thiểu số:
Khi nam giới vào cuộc
Thứ Sáu, 15/10/2010 19:00 CH

Vài năm trở lại đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh đã có nhiều đổi thay. Tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm; đặc biệt, một số cặp vợ chồng đã đi đình sản - một biện pháp tránh thai mà trước đây rất ít người tham gia.

 

tro-chuyen101015.jpg

Chị Nguyễn Thị Hợp thăm hỏi người đã tham gia KHHGĐ. - Ảnh: T.THẢO

 

Những buổi họp nhóm giữa cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và phụ nữ ở các xã thuộc huyện Sông Hinh được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần, qua đó giúp chị em thay đổi nhận thức. Trước đây, vận động đồng bào Ba Na, Ê Đê thực hiện KHHGĐ là chuyện rất khó. Khi cộng tác viên tới nhà tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, nhất là đình sản, chị em thường tìm cách lảng tránh. Một số người Ba Na còn có tâm lý lo sợ rằng, thực hiện KHHGĐ sẽ mang thêm bệnh vào người, nam giới nếu đi đình sản sẽ không còn khả năng làm chồng…

 

Nhưng đó là chuyện của ngày trước. Bây giờ, nhiều nam giới là người dân tộc thiểu số đã tham gia thực hiện KHHGĐ. Họ có cuộc sống khá ổn định và sức khỏe cũng tốt. Họ đã mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, vận động các anh chị em khác thực hiện KHHGĐ, tiêu biểu như Ma Thực, một đảng viên ở xã Sơn Giang đã tự nguyện thực hiện đình sản. Cuộc sống gia đình ông đã khá hơn rất nhiều, con cái được chăm lo đầy đủ. Trường hợp vợ chồng H’Điệp ở xã Đức Bình Đông cũng là một ví dụ sinh động. Anh chị đã có 2 con gái. Sinh xong, chị tự nguyện đình sản nhưng sau khi làm các xét nghiệm để phẫu thuật thì thấy không phù hợp. Không suy nghĩ lâu, chồng chị đăng ký đình sản thay vợ. Ksor Y Mộng, chồng H’Điệp, tâm sự: “Hơn 8 năm tự kế hoạch nhưng cứ vỡ kế hoạch, vợ tôi lại chịu khổ sau mỗi lần giải quyết. Nên ngay khi biết vợ không thể đình sản, tôi không đắn đo mà cùng chị cán bộ chuyên trách đón xe xuống tỉnh thực hiện ngay. Giờ đây tôi thấy sức khỏe vẫn bình thường. Tôi và vợ sẽ lo làm ăn, nuôi hai con học đến đại học luôn”.

 

Chị Nguyễn Thị Hợp, cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ ở xã Đức Bình Đông, cho biết: “Qua nhiều năm vận động, bây giờ đồng bào không còn lảng tránh mỗi khi cộng tác viên đến tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ mà vui vẻ tham gia các buổi sinh hoạt của tổ, của buôn và sẵn sàng vận động người khác cùng tham gia. Một số đàn ông ở đây đã ký vào giấy tình nguyện đình sản mà không ngại gì”.

 

Nhiều người làm công tác dân số từng mất ăn mất ngủ, thậm chí thót tim với trường hợp đã đình sản. Chị Nguyễn Thị Hợp kể: “Sở dĩ đồng bào không chịu đình sản vì trước đây, có ca đình sản rồi nhưng sau một thời gian, do lỗi kỹ thuật, người vợ vẫn sinh con. Tôi ân hận mãi bởi chính mình là người vận động và đưa chồng chị ấy đi đình sản. Vận động được các ông chồng đồng ý đình sản chỉ là bước khởi đầu. Những tuần sau, nếu cơ thể suy nhược hay mắc bệnh gì thì họ lại đổ thừa do đình sản. Nói chung, phải kiên trì, khéo léo vận động”.

 

Theo bà Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ Phú Yên, vận động một ca đình sản, cán bộ dân số chỉ được hỗ trợ vài chục nghìn đồng nhưng bị trách móc không ít, lại còn phải chịu trách nhiệm trong một thời gian dài. Việc này chẳng những tốn công mà đôi khi còn tốn cả tiền túi đưa đón, thăm hỏi đối tượng sau khi đình sản. Nhờ sự kiên trì, không bỏ cuộc mà đến nay, cán bộ dân số huyện Sông Hinh đã vận động nhiều đàn ông là người dân tộc thiểu số tự nguyện đình sản đạt kết quả tốt.

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek