Có được chính sách công đúng đắn mới chỉ là “điều kiện cần” để đưa chính sách vào cuộc sống. Tổ chức thực thi là “điều kiện đủ” của chính sách công. Nói như vậy để thấy rõ mối quan hệ có tính quyết định giữa các khâu trong quá trình thực thi chính sách. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại những chính sách ban hành chưa sát thực tiễn.
Thực thi chính sách công, đòi hỏi sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn của người cán bộ đối với công việc. Trong ảnh: Cán bộ UBND phường 8 (TP Tuy Hòa) tiếp dân. - Ảnh: K.CHI
Chính sách công là quy định về ứng xử của Nhà nước với những hiện tượng nảy sinh trong đời sống cộng đồng, được thể hiện dưới những hình thức khác nhau một cách ổn định, nhằm đạt được mục tiêu định hướng. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về nội dung và yêu cầu của chính sách có khi chưa đầy đủ, rõ ràng và kịp thời tới những đối tượng liên quan dẫn đến hiểu sai. Các văn bản hướng dẫn có khi không rõ ràng, thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau; tình trạng luật, pháp lệnh đã ban hành nhưng phải chờ nghị định và thông tư hướng dẫn diễn ra khá phổ biến, cản trở việc áp dụng. Sự phân công nhiệm vụ giữa các đơn vị tổ chức thực thi chính sách chưa thực sự khoa học, chồng chéo giữa quyền hạn và lợi ích. Cơ chế phối hợp giữa các cấp và các cơ quan đồng cấp chưa chặt chẽ, đặc biệt trong việc chia sẻ, trao đổi, công khai thông tin. Bên cạnh đó, một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, công chức thiếu năng lực, trình độ và sự trong sạch trong thực thi chính sách cũng đang là một trong những nguyên nhân làm bóp méo, thậm chí đi ngược lại mục tiêu của chính sách. Thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp, rắc rối gây khó khăn, cản trở việc thực thi chính sách.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách công, trước tiên, cán bộ công chức nhà nước cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn các nội dung của chính sách là yêu cầu quan trọng đầu tiên trong quá trình đưa chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Các nhà hoạch định, tổ chức thực thi chính sách, lực lượng tham gia và cả các đối tượng chịu ảnh hưởng chính sách cần hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của chính sách và các giải pháp thực hiện, từ đó tạo ra sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả chính sách. Ngoài ra cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các đối tượng liên quan, nhân dân để mọi người được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra chính sách, từ đó tạo dư luận xã hội và môi trường thuận lợi cho việc thực hiện chính sách. Sau khi chính sách ban hành, cần phải cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, chương trình mục tiêu, các kế hoạch thực hiện; xây dựng các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội cụ thể. Các thủ tục này tạo ra môi trường cần thiết trong việc thực hiện chính sách. Tuy nhiên, khi ban hành các thủ tục hành chính cần phải nghiên cứu kỹ để tránh sự rườm rà, phức tạp không cần thiết; đồng thời phải đảm bảo tính ổn định tương đối để không gây nhiều xáo trộn cho quá trình thực thi. Bên cạnh đó, những thủ tục đã lỗi thời, kìm hãm việc thực thi cần được thay thế bằng những thủ tục mới hợp lý và thuận tiện hơn. Tổ chức thực hiện một cách khoa học, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân liên quan; xác định người chịu trách nhiệm chính và những người tham gia phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Trong phân công nhiệm vụ, cần chú ý đến khả năng, tính chất chuyên môn và thế mạnh của từng người; hạn chế tình trạng chồng chéo nhiệm vụ và không rõ trách nhiệm. Thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách để phát hiện, phòng ngừa và xử lý vi phạm (nếu có); phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, trong chính sách và pháp luật để kiến nghị cơ quan thẩm quyền có biện pháp khắc phục. Đồng thời, thông qua đó phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
TRẦN THỊ THƠ
(Sở Nội vụ Phú Yên)