Bộ đội biên phòng (BĐBP) Phú Yên đang chuẩn bị hoàn thành và bàn giao ngôi nhà mang tên “Nhà đồng đội” cho ông Huỳnh Tấn Nớ (thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa), một ngư dân luôn sát cánh với BĐBP trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biển của tỉnh.
Bộ đội Biên phòng Phú Yên xây dựng “Nhà đồng đội” tặng ông Nớ.
THẮP SÁNG NIỀM VUI
Chúng tôi về làng biển Phú Thọ 3 khi căn nhà mà BĐBP Phú Yên xây tặng ông Huỳnh Tấn Nớ vừa hoàn thiện công đoạn tô tường và chuẩn bị san nền. Nhìn nét bối rối thoáng trên khuôn mặt sạm nắng gió của người đàn ông đã qua tuổi 50, có hơn nửa đời kiên trì bám biển, không ai trong đoàn không khỏi xúc động. Ngôi nhà cấp 4, khoảng 50m2, mái ngói, tường vôi, nền xi măng, thoáng mát, không cầu kỳ hoa văn, kẻ chỉ. Thế nhưng, nó đã là niềm ước ao từ lâu mà ông Nớ chưa bao giờ dám nói đến. Thiếu tá Ngô Xuân Lộc, đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp phấn khởi cho biết: “Chỉ một tuần nữa là chúng tôi hoàn tất nhà để bàn giao. Như vậy, mùa mưa năm nay gia đình anh Nớ không còn phải lo ướt át, không sợ nhà bị sập khi có bão”.
Khí thế lao động trong những ngày cuối trước khi công trình hoàn thành dường như khẩn trương hơn. Ngay khoảng sân phía trước, các chiến sĩ biên phòng đang tất bật trộn xi măng, chuyển hồ. Phía trong nhà, một nhóm khác hì hục đầm nền, rong nước, san ủi cát. Những câu chuyện hồ hởi, nụ cười phấn chấn và ánh mắt thân thiện của những người hàng xóm làm cho không gian của cái xóm nhỏ bên bờ biển Phú Thọ này thêm rộn rã niềm vui. Anh Nguyễn Văn Hòa, một người thợ xây cảm kích nói: “Nếu như không có sự giúp đỡ của anh em biên phòng, thì 30 triệu đồng không thể làm nên một căn nhà vững chắc như thế này”. Tần ngần trong niềm xúc động, ông Nớ thổ lộ: “Căn nhà cũ của tôi cất cách đây trên 20 năm, đã hư hỏng, rách nát từ lâu. Năm rồi, cơn bão số 11 ập vào làm sập hoàn toàn căn nhà trên. Cả nhà tiếp tục dùng vải nhựa, áo mưa, vải bạt để “vá” lại mái nhà dưới rồi sống tạm như vậy gần một năm nay”.
Thiếu tá Ngô Xuân Lộc cho biết thêm: “Thấy anh Nớ khó khăn nên từ lúc khởi công xây nhà, đội công tác chúng tôi đã phân công nhau thường xuyên lên trông coi, tìm nhiều cách để giúp đỡ gia đình. Lúc nào cần đến sức lực thì đơn vị đưa lực lượng lên giúp ngay. Chúng tôi cũng chủ động liên hệ mua vật liệu, hội ý với chính quyền địa phương rồi bàn bạc với gia đình, với thợ xây, tìm cách nào tốt nhất vừa lợi vật tư, vừa bảo đảm công trình, làm sao để anh Nớ không chịu cảnh nợ nần sau khi nhà xây xong”.
SÁT CÁNH BẢO VỆ BIỂN
Ông Nớ tâm sự: “Khoảng năm 2000, nhiều nơi có phong trào đóng tàu lớn để chuyển nghề. Thấy nhiều người làm ăn khá nên tôi cũng đổi nghề. Vậy là hai vợ chồng bán chiếc thuyền câu, liều vay mượn thêm, sắm chiếc tàu 50 CV mới để chuyển theo nghề lưới rút. Đi tàu lớn thì phí tổn càng nhiều, kinh nghiệm nghề mới không có, cá đánh về ít. Tiền bán cá về không đủ trả phí tổn chuyến biển. Tôi phải neo tàu, chuyển về nghề câu cũ để kiếm cái ăn hàng ngày, còn nợ nần thì chưa biết bao giờ mới trả hết. Vậy nên hôm thiếu tá Ngô Xuân Lộc đến báo tin Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có chỉ đạo đến khảo sát để giúp tôi xây nhà, tôi cứ bần thần bởi không có đồng vốn đối ứng nào. Hôm phá nhà cũ, Đồn cử anh em lên, vừa tháo dỡ, vừa soạn lại số gạch, ngói, cây gỗ còn tốt đem đi chà rửa. Số vật liệu tận dụng này trị giá khoảng năm, sáu triệu đồng”.
Cũng như bao người dân ở làng biển này, ông Nớ nói: “Cũng vì nghèo khó mới càng trân trọng, hiểu tình cảm của anh em biên phòng dành cho mình”. Nhắc về nguồn gốc của mối thâm tình gắn bó này, ông Bùi Thành, Trưởng lạch Phú Thọ 3 kể: Một thời còn làm ăn khó khổ, dân ở biển không mấy ai cho con đi học. Anh em BĐBP mở lớp tình thương, đến từng nhà vận động đưa các cháu đi học. Nhờ vậy, bốn đứa con ông cũng lần lượt lớn lên, biết đọc, biết viết. Cả làng từ đó gắn bó với BĐBP, có chuyện vui buồn, bà con đều chia sẻ với các anh. Hồi đó, vùng biển Hòa Hiệp có khu vực Hòn Khô nổi tiếng với nhiều loại cá ngon. Một số phương tiện của ngư dân các tỉnh lân cận đã đến đây, dùng thuốc nổ để đánh cá. Nhiều hôm, tối nghe tiếng nổ ngoài biển, sáng chạy thuyền ra nhìn thấy cá chết nổi trắng mặt nước. Ngư dân trong làng rất xót ruột. Họ làm ăn mà phá như thế còn gì cho đời con cháu có cái để ăn. Khi BĐBP đưa ra kế hoạch truy quét tội phạm đánh cá bằng thuốc nổ, hầu hết bà con ở đây ủng hộ ngay. Anh Nớ là một trong những người tham gia rất tích cực trong việc giúp BĐBP phát hiện và truy quét tội phạm trên biển. Thiếu tá Ngô Xuân Lộc tiếp lời: “Ngày đó, làng biển Hòa Hiệp Trung rầm rộ phong trào ngư dân tố giác và hỗ trợ BĐBP truy quét tội phạm trên biển. Riêng anh Nớ đã hàng chục lần dùng thuyền câu của mình chở anh em biên phòng ra biển vây bắt tội phạm. Hơn 40 phương tiện đánh cá bằng thuốc nổ đã được lực lượng BĐBP cùng với ngư dân Hòa Hiệp phối hợp truy bắt. Từ đó, các đối tượng này gần như không còn bén mảng tới địa bàn Hòn Khô nữa.
Thượng tá Đặng Phú Quốc, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Phú Yên cho biết: “Mỗi năm cán bộ, chiến sĩ BĐBP Phú Yên đều trích lương tham gia đóng góp vào quỹ để hỗ trợ một đồng chí gặp khó khăn trong đơn vị xây nhà. Năm nay, chúng tôi đã quyết định dành suất này cho anh Nớ. Căn nhà này vừa là tâm huyết vừa là trách nhiệm, cũng là sự tri ân của BĐBP Phú Yên đối với bà con ngư dân nói chung, anh Nớ nói riêng - một quần chúng tích cực trong công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trên biển mà chúng tôi đã coi như đồng đội của mình”.
NGỌC VÂN